Cùng với sự phổ biến của hiện tượng vòng tròn lúa mì (crop circle) và vật thể bay không xác định (UFO) qua các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều người có thể dễ dàng cho rằng những vòng tròn lúa mì này chỉ là những trò bịp bợm. Tất cả mọi người đều biết chúng là gì, vậy giả sử ai đó đã đi ra ngoài cánh đồng với một chiếc lưỡi liềm (hoặc máy cắt cỏ), tạo nên những vòng tròn để thu hút sự chú ý hoặc có mục đích chơi khăm thì sao?

Khi Nữ hoàng Elizabeth thêm một cuốn sách về chủ đề vòng tròn lúa mì vào danh mục sách đọc mùa hè của bà vào năm 1989, trong công chúng đã nổi lên một sự hứng thú đặc biệt với hiện tượng này, và cũng có sự bàn tán về các trò bịp bợm.

Nhưng vòng tròn lúa mì không phải là một trào lưu hiện đại.

Trước khi thuật ngữ “vòng tròn lúa mì” (crop circle) lan truyền trên khắp thế giới, những báo cáo trong lịch sử đã đề cập đến một loại hiện tượng rất giống với ngày nay quan sát được. Điều đó cho thấy con người đã khá ngạc nhiên và bối rối trước những vòng tròn lúa mì này trong nhiều thế kỷ. Một vài cách lý giải được đưa ra trong những tư liệu lịch sử cho rằng đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên, tuy vậy một số khác lại ám chỉ đến những nguyên nhân siêu thường.

‘Quỷ gặt lúa’

Năm 1678, một cuốn sách mỏng có tiêu đề “Quỷ gặt lúa: Hay, tin tức kỳ lạ xuất phát từ Hertfordshire”, (The Mowing Devil: Or, Strange News Out of Hertfordshire), đã miêu tả một vòng tròn lúa mì ở Hertfordshire, Anh. Báo cáo này đã được đăng lại vào năm 1913 bởi W.B. Gerish, một nhà nghiên cứu văn học dân gian Hertfordshire. Trong báo cáo có đoạn:

“Đây đúng là công việc của một người nông dân, khi ông thương lượng với một thợ gặt nghèo túng về việc gặt 3,5 mẫu yến mạch: Vì người thợ gặt yêu cầu trả công quá cao, người nông dân này đã thề rằng thà để cho quỷ gặt còn hơn anh ta. Và vào đêm hôm đó, cánh đồng yến mạch như một ngọn lửa; nhưng sáng hôm sau được cắt khá gọn gàng bởi con quỷ hay một sinh vật dưới địa ngục nào đó, mà không một người bình thường nào có thể làm được điều tương tự”.

Người nông dân dường như đã trông thấy cánh đồng yến mạch bừng sáng như một ngọn lửa trong cái đêm vụ mùa được gặt một cách bí ấn.

Tranh khắc gỗ “quỷ gặt lúa (Mowing Devil) trong bản tin năm 1678. (Ảnh: Public Domain)
Tranh khắc gỗ “quỷ gặt lúa (Mowing Devil) trong bản tin năm 1678. (Ảnh: Public Domain)

Người nông dân dường như trông thấy cánh đồng yến mạch của anh ta bừng sáng như một ngọn lửa trong cái đêm vụ mùa được gặt một cách bí ấn. Báo cáo nói tiếp rằng người nông dân đã quá sợ hãi đến nỗi không dám đi thu hoạch những chồng yến mạch đã được gặt.

Những vòng tròn lúa mì do cơn bão gây ra?

Trong số ra ngày 29/7/1880 của tạp chí Nature, John Rand Capron đã đăng tải một bài viết có tựa đề “Những ảnh hưởng của bão” (Storm Effects), trong đó miêu tả chi tiết những vòng tròn lúa mì.

Trong bài miêu tả của ông có đoạn: “Tất cả chúng đều cho thấy các đặc điểm tương đồng, tức là, một vài thân cây đứng thẳng ở trung tâm, một vài thân cây đổ ngang được xếp khá đồng đều theo một hướng, hình thành một vòng tròn bao quanh trung tâm, và bên ngoài là bức tường hình tròn tạo thành từ những thân cây không bị nghiêng hay đổ”.

Ông tự hỏi phải chăng những vòng tròn này là do “gió xoáy” gây ra. Ông lưu ý rằng: “Những cơn bão ở khu vực này của Surrey gần đây thường xuất hiện trong phạm vi cục bộ với cường độ rất dữ dội”.

Độ phì nhiêu gia tăng trong những vòng tròn lúa mì

Năm 1686, Giáo sư hóa học Robert Plot từ trường Đại học Oxford đã viết về các dạng hình học trên những cánh đồng trong cuốn sách “Lịch sử tự nhiên của Staffordshire” (A Natural History of Staffordshire).

Ông đã viết: “Đất trồng bên dưới đã được cải thiện đáng kể với một loại chất giàu lưu huỳnh . . . kể từ khi vòng tròn lúa mì được tạo ra, tuy vậy phải mất một khoảng thời gian sau đó thì độ phì nhiêu mới phát huy tác dụng.”

Mức độ phì nhiêu được cải thiện cũng được coi là nét đặc trưng của một số vòng tròn lúa mì hiện nay.

vong tron lua mi 2Một hình vẽ từ cuốn sách “Lịch sử tự nhiên của Staffordshire” (Natural History of Staffordshire) của Giáo sư Robert Plot, minh họa giả thuyết tạo ra các vòng tròn nhờ lực tác động mạnh mẽ xuất hiện từ đám mây trong cơn giông bão. (Ảnh: Public Domain)

GS Plot giả định rằng các vòng tròn lúa mì đã được tạo nên bởi tia sét hoặc những lực khác trong cơn bão. Gary Bobroff, trong cuốn sách “Những vòng tròn lúa mì, Jung và sự tái xuất hiện của Nguyên mẫu nữ” (Crop Circles, Jung, and the Reemergence of the Archetypal Feminine), đã viết rằng: “Hôm nay, những vòng tròn tiếp tục được phát hiện sau một đêm mưa bão khủng khiếp — vòng tròn ở Milk Hill, Anh, vào năm 2001, bao gồm 409 vòng tròn đơn lẻ và trải dài hơn 300m — có lẽ là thí dụ điển hình nhất của mối tương quan [giả định] này”.

Một vài người cho rằng GS Plot đang miêu tả điều mà ngày nay chúng ta gọi là những vệt lúa mì, chứ không phải vòng tròn lúa mì. Những vệt lúa mì xuất hiện do các tình trạng khác nhau của đất, thường hình thành nên do những cấu trúc bị chôn bên dưới. Lấy ví dụ, một bức tường hoặc một mương bị chôn dưới đất sẽ quyết định lượng nước có thể tụ lại trong phần đất bên trên, do đó ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng. Điều này đôi lúc tạo nên những biểu hiện rõ rệt trên cây trồng.

Quan viên trong triều đình nhà vua Henry VIII ăn mừng những vòng tròn lúa mì bằng một điệu múa?

John Leyland, một nhà biên niên sử trong triều đinh nhà vua Henry VIII đã kể về điệu múa quanh cây nêu truyền thống của Anh như sau: “Chúng tôi sẽ đi ra ngoài vào sáng sớm để nghiên cứu những vòng tròn xuất hiện trên bãi cỏ qua đêm”.

Những nàng tiên giúp đỡ hay trêu đùa

Walter Evans-Wentz đã sưu tầm những câu chuyện dân gian Celtic trong cuốn sách năm 1911 “Niềm tin cổ tích ở những quốc gia Celtic” (The fairy faith in Celtic Countries)”. Bobroff đã lưu ý rằng, rất nhiều miêu tả về những vòng tròn trên bãi cỏ là có mối liên hệ rõ ràng với những cây nấm mọc theo hình vòng tròn và từ lâu đã được biết đến là “những vòng tròn cổ tích”. Nhưng một số dường như có liên hệ với các vòng tròn lúa mì, khi chúng miêu tả rõ ràng các cây trồng bị san phẳng.

Xem thêm:

Lấy ví dụ, Evans-Wentz đã viết: “Đôi khi các nàng tiên giúp đỡ con người trong công việc, họ đến vào ban đêm để hoàn thành việc quay tơ hoặc… đập ngô của một người nông dân hay quạt thóc giúp bác nông dân đó”.

Video: những vòng tròn lúa mì đẹp nhất từng được ghi nhận

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Xem thêm: