Chuột Onychomys sống ở sa mạc Sonoran (Mỹ) có khả năng hú như chó sói và kháng được nọc độc cực mạnh, chúng thậm chí ăn thịt cả bọ cạp và rết khổng lồ.

Con chuột không hề sợ hãi con bò cạp có nọc độc mà từ từ tiến gần và ra đòn tấn công. Bất chấp con bọ cạp đâm đuôi độc vào người, con chuột vẫn ung dung hạ sát con bọ cạp đến chết và ăn ngấu nghiến. Sau đó, chuột đứng giơ hai chi trước lên và tru miệng hú hướng lên ánh trăng. Ngoài bò cạp, dế và nhện cũng là con mồi ưa thích của loài chuột này.

Để khám phá bí mật “kháng” nọc độc của bò cạp, nhà khoa học Ashlee Rowe và các đồng nghiệp làm việc tại ĐH Sam Houston State (Mỹ) tiêm một lượng nhỏ nọc độc của bò cạp vào chân của chuột Onychomys torridus. Con chuột liếm chân của nó, tỏ vẻ không đau đớn gì.

Thông thường, sau khi tiêm nọc độc bò cạp vào cơ thể chuột thì trong quá trình tủy sống dẫn truyền chất độc lên não sẽ kích hoạt một loại protein trong màng tế bào được gọi là Nav1.7 làm cho não bắt được các tín hiệu đau nhức. Nhưng ở loài chuột Onychomys torridus, họ đã tìm thấy sự đột biến protein, gọi là Nav1.8, giúp ngăn chặn các tín hiệu đau nhức lên não.

Ngay khi phát hiện ra loài chuột đặc biệt này vào năm 2013, cơ chế “kháng” nọc độc bò cạp ở loài chuột Onychomys torridus đã được các nhà khoa học đánh giá sẽ đem lại triển vọng lớn giúp bào chế ra loại thuốc giảm đau hiệu ứng cao cho con người.

Hoài Anh