Trong một cuộc chạy đua điên cuồng để thu hút lượt truy cập cho trang web của mình, các kênh truyền thông lại một lần nữa giật tít những tiêu đề như: “NGẠC NHIÊN CHƯA: Trái Đất có hai mặt trăng” và “Trái Đất hiện đã có một mặt trăng thứ hai” hoặc thậm chí “Trái Đất có một mặt trăng ‘mini’ thứ hai, theo NASA”.
Vậy, liệu NASA đã từng nói bất cứ điều gì về một mặt trăng thứ hai chưa? Chưa.
Tuy rằng các tiêu đề như những cái bên trên nghe có vẻ rất tuyệt, nhưng chúng không phải là một sự miêu tả chính xác về tiểu hành tinh mới được các nhà thiên văn học của NASA phát hiện được gần đây.
Tiểu hành tinh, với tên gọi 2016 HO3, đã được quan sát lần đầu vào ngày 27/4/2016. Kính thiên văn thăm dò tiểu hành tinh Pan-STARRS 1, được vận hành bởi Viện Thiên văn thuộc Đại học Hawaii, đứng đằng sau phát hiện này.
Vật thể này có chiều ngang lớn hơn 40 m, nhưng nhỏ hơn 100 m; tuy nhiên, kích thước chính xác hiện vẫn chưa được xác nhận. 2016 HO3 quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời, khiến nó trở thành một người bạn đồng hành trường kỳ của Trái Đất. Các nhà nghiên cứu của NASA tin rằng điều này sẽ kéo dài trong rất nhiều thế kỷ tiếp theo.
Khi 2016 HO3 quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trời, nó cũng sẽ quay xung quanh Trái Đất, tuy rằng nó nằm quá xa để có thể được nhìn nhận là một mặt trăng thật sự của Trái Đất. Tuy nhiên, đây là ví dụ tốt nhất về một người bạn đồng hành gần Trái Đất, hay một “giả vệ tinh”. Tiến sĩ Paul Chodas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể bay gần Trái Đất (Center for Near-Earth Object (NEO) Studies) tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (Jet Propulsion Laboratory) của NASA, đã nói như sau trong một tuyên bố:
“Vì 2016 HO3 di chuyển thành vòng xung quanh hành tinh chúng ta, nhưng không bao giờ di chuyển ra quá xa vì cả hai đều quay xung quanh Mặt Trời, chúng tôi gọi nó là một giả vệ tinh của Trái Đất.
“Một tiểu hành tinh khác — 2003 YN107 — đi theo một quỹ đạo dịch chuyển tương đồng trong một khoảng thời gian vào hơn 10 năm về trước, nhưng kể từ đó nó đã rời ra xa chúng ta. Tiểu hành tinh mới này gắn kết với chúng ta hơn.
“Tính toán của chúng tôi cho thấy 2016 HO3 đã là một giả vệ tinh ổn định của Trái Đất trong gần một thế kỷ, và nó sẽ tiếp tục chuyển động theo quỹ đạo này như người bạn đồng hành của Trái Đất trong rất nhiều thế kỷ kế tiếp”.
Tiểu hành tinh 2016 HO3 dành khoảng một nửa thời gian gần với Mặt Trời hơn so với Trái Đất trong quỹ đạo dịch chuyển thường niên của nó xung quanh Mặt Trời. Tiểu hành tinh này cũng vượt lên trước hành tinh chúng ta, nhưng trong khoảng một nửa thời gian nó sẽ dịch chuyển ra xa, khiến nó thụt lại đằng sau.
Xem video mô phỏng quỹ đạo dịch chuyển của tiểu hành tinh 2016 HO3 của NASA:
Theo NASA, quỹ đạo của nó cũng hơi nghiêng sang một bên, khiến nó trồi lên ngụp xuống một lần mỗi năm xuyên qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Do đó, tiểu hành tinh này bị cuốn vào một trò chơi nhảy cừu với Trái Đất vốn sẽ kéo dài trong hàng trăm năm. Quỹ đạo của tiểu hành tinh cũng sẽ trải qua một sự vặn xoắn chậm chạp, ra phía trước rồi về phía sau trong vòng nhiều thập kỷ. TS Chodas nói thêm:
“Các vòng dịch chuyển của tiểu hành tinh xung quanh Trái Đất sẽ trôi dạt một chút về phía trước hoặc ra phía sau từ năm này sang năm khác, nhưng khi chúng trôi dạt quá xa về phía trước hoặc phía sau, trọng lực của Trái Đất chỉ vừa đủ mạnh để duy trì sự trôi dạt này và giữ chặt tiểu hành tinh để nó không bao giờ có thể lang thang ra xa hơn một khoảng cách bằng khoảng 100 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.
“Tác động tương tự cũng sẽ ngăn chặn tiểu hành tinh này tiếp cận gần hơn một khoảng cách bằng khoảng 38 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Do đó trên thực tế, tiểu hành tinh này đang khóa mình trong một điệu nhảy với Trái Đất”.
Tác giả: Troy Oakes, Vision Times.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: