Con người hiện đại cho rằng, những họa tiết trên y phục chỉ là hoa văn, thư pháp… Không phải như vậy, chúng là một loại sinh mệnh tồn tại ở không gian khác. Có không ít ghi chép như vậy trong thư tịch Trung Quốc cổ đại.
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Cách đây một thời gian, một thương hiệu phục trang có tiếng của Trung Quốc, “Giang Nam Bố Y” đã bị dư luận công kích mạnh mẽ vì những thiết kế hắc ám đối với quần áo trẻ em.
Mọi người đã tìm thấy những họa tiết đáng sợ in trên y phục trẻ em, thứ mà lẽ ra phải luôn thể hiện những hình ảnh ngây thơ và trong sáng. Ví dụ, dòng chữ tiếng Anh “Welcome to Hell” (chào mừng tới địa ngục) được in lên, cùng hình ảnh một kẻ giống như ma quỷ kéo chân một người, người kia chuẩn bị dùng búa đập nó. Kẻ ma quỷ nói “Tao chỉ cần một bộ phận, chính là cái chân này”. Mọi người cũng có thể bắt gặp những mẫu tương tự như hình ảnh người bị bánh xe đè lên.
Trên một mẫu quần áo trẻ em khác, các bậc phụ huynh kinh hoàng khi phát hiện họa tiết có một đứa trẻ bị hàng vạn mũi tên đâm thủng, cậu bé hét lên với vẻ mặt thống khổ, “Bố mẹ ơi, con đã bị bắn nát vụn rồi, giúp con với, con sắp chết!” Những bức ảnh được trình diện trên mẫu phục trang trẻ em của “Giang Nam bố y” cũng thể hiện sắc thái quỷ mị.
Các bậc phụ huynh không thể ngồi yên. Mọi người đều biết rằng trẻ em có lực quan sát siêu thường, rất tinh ý đến từng chi tiết, và những họa tiết trên quần áo nếu bị người lớn phớt lờ có thể sẽ trở thành đối tượng để trẻ nghiên cứu kỹ lưỡng. Những nội dung khủng bố đầy bạo lực và máu me này, thực không biết nó sẽ mang lại tác hại gì cho tâm linh thuần khiết của đứa trẻ. Cuối cùng, trước áp lực của dư luận, “Giang Nam bố y” đã phải loại bỏ tất cả các sản phẩm liên quan khỏi kệ hàng.
Kỳ thực trong mắt con người hiện đại, những họa tiết trên y phục chỉ là hoa văn, thư pháp… Không phải như vậy, chúng là một loại sinh mệnh tồn tại ở không gian khác. Có không ít ghi chép như vậy trong thư tịch Trung Quốc cổ đại.
Rồng trắng cưỡi mây bay đi
Trương Ngạn Viễn, ông tổ lịch sử gia về hội họa Trung Quốc, đã viết trong cuốn sách “Lịch đại danh họa ký” Tập 7 như sau: “Võ Đế coi trọng trang trí Phật tự, lệnh cho nhiều tăng nhân vẽ tranh….. bốn con bạch long ở chùa Kim Lăng An Nhạc; bất điểm nhãn tình; Môi Vân: ‘Điểm nhãn tình tức khắc bay đi’, nhân dĩ vi vọng đản; cố thỉnh điểm chi. Tu du; Lôi điện phá bích; lưỡng long thừa vân đằng khứ thượng thiên; nhị long vị điểm tình giả kiến tại.”
Đoạn văn trên kể rằng dưới thời trị vì của Lương Vũ Đế, Phật giáo đại hưng thịnh, nhiều chùa chiền được xây dựng hoặc tu sửa. Lương Vũ Đế ra lệnh cho danh họa Trương Tăng Giao vẽ trang trí Phật tự bằng các bức họa. Một năm, Lương Vũ Đế ra lệnh cho Trương Tăng Giao vẽ bốn con bạch long cho chùa Kim Lăng An Nhạc. Sau khi bức họa hoàn thành, mọi người đến để thưởng ngoạn, ồ, bức họa thật bay bổng! Bốn con bạch long này hiện ra sống động như thật, đầy hào quang, như thể chúng đang muốn cưỡi mây. Nhưng nhìn lại, này, tại sao tứ long không có mắt?
Trương Tăng Giao nói rằng, không thể vẽ mắt, nếu vẽ mắt, bốn con rồng sẽ sống dậy và bay đi. Mọi người đều không tin, nhất quyết thỉnh cầu ông vẽ mắt cho rồng. Trương Tăng Giao khoái thác không được, vì vậy ông đã vẽ mắt cho hai trong số những con rồng. Kết quả trong nháy mắt mây mù dày đặc, sấm vang chớp giật, tia sét xuyên qua tường, hai con rồng đằng vân bay đi mất. Hai con rồng khác không có mắt vẫn còn lại trên tường. Đây là điển cố của câu thành ngữ “họa long điểm [nhãn] tình”.
‘Thánh họa’ Ngô Đạo Tử dùng tranh làm hình phạt
Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu với các bạn một câu chuyện thú vị về Ngô Đạo Tử, một họa sĩ hàng đầu thời nhà Đường, và sau này được hậu thế tôn là “Thánh họa”. Ngô Đạo Tử giỏi vẽ nhiều loại tranh, bất luận đó là tranh Thần Phật, nhân vật, sơn thủy hay là hoa điểu ngư trùng, ông đều vẽ đẹp. Đường Huyền Tông ban cho ông danh xưng là “Đạo Huyền”.
Cuốn “Lô Thị tạp thuyết” do Lữ Diên viết vào thời Đường ghi lại rằng, có một hôm, Ngô Đạo Tử đi ngang qua một ngôi chùa, khát quá không chịu nổi, liền thấy trong chùa có một vị lão tăng, bèn tiến lên xin một tách trà. Nhưng lão hòa thượng vô cùng khó chịu, bỏ mặc Ngô Đạo Tử. Ngô Đạo Tử cũng không tức giận, trước khi đi còn vẽ một con lừa lên tường phòng lão hòa thượng đang ở, sau đó liền rời đi.
Không ngờ đến tối, chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Một con lừa đột nhiên xuất hiện giữa sân của lão hòa thượng, húc thẳng vào phòng của lão hòa thượng, đá loạn khắp nhà và làm lộn xộn các đồ vật trong phòng. Cứ như thế trong vài ngày và đêm. Lão hòa thượng vô cùng kinh ngạc, con lừa này từ đâu đến? Tại sao lại chuyên đến phòng tôi để đảo loạn?
Một đêm nọ, lão hòa thượng trốn trong phòng theo dõi, phát hiện ra chính con lừa mà Ngô Đạo Tử vẽ trên tường tự nhiên sống dậy, nhảy xuống khỏi bức tranh và xông vào phòng của lão hòa thượng làm loạn. Lão hòa thượng vô cùng kinh ngạc, nhanh chóng tìm gặp Ngô Đạo Tử, thừa nhận lỗi lầm của mình và xin lỗi, đồng thời cầu xin ông xóa hình con lừa lên tường. Ngô Đạo Tử thấy lão hòa thượng đã thực sự nhận thức được lỗi lầm của mình, mục đích trừng phạt đã đạt được nên đã xóa bức vẽ trên tường. Kể từ đó, con lừa không bao giờ còn xuất hiện trọng sân của lão hòa thượng nữa.
Tiên nữ từ bức tranh bước ra
Nếu bạn cảm thấy những điều này đã là thần kỳ, thì câu chuyện sau đây còn khiến người ta kinh ngạc hơn. Cả tác phẩm “Tùng Song tạp ký” của Đỗ Tuân Hạc thời Đường và “Văn kỳ lục” của Vu Thích thời Ngũ Đại đều giới thiệu trải nghiệm thần kỳ của Triệu Nhan, một vị tiến sĩ thời nhà Đường.
Vào thời nhà Đường, có một vị họa sĩ, thủ thuật vô cùng cao minh. Ông vẽ một bức tranh lụa, trong tranh là một thiếu nữ thanh tú, da dẻ trắng hồng, đôi mắt tựa như một làn suối trong, nàng mặc y phục bay bổng tựa như một tiên nữ. Mọi người xem bức tranh này đều nói rằng nó trông như thật, còn đẹp hơn cả người sống.
Một ngày nọ, tiến sĩ Triệu Nhan nhìn thấy bức tranh này, cảm thấy quyến luyến với người phụ nữ trong tranh, xem tranh đã nửa ngày mà không muốn rời đi, còn thở dài nói một mình, “Nàng ấy thật tuyệt mỹ! Thật đáng tiếc thế nhân không có mỹ nhân nào đẹp như vậy. Nếu người phụ nữ trong bức tranh này có thể trở thành người sống, tôi nhất định sẽ cưới nàng làm vợ!”
Những lời này của Triệu Nhan tình cờ bị vị họa sĩ nghe thấy. Họa sĩ nói với anh ta rằng: “Bức tranh này của ta là tranh Thần, nữ nhân trong tranh tên là Chân Chân, nếu ngươi ngày đêm gọi tên nàng không ngừng, liên tục trong một trăm ngày, nàng sẽ hồi đáp ngươi. Lúc đó ngươi có thể ngâm tro của trên một trăm bộ quần áo cũ màu với rượu, rồi đổ rượu ngâm tro lên bức tranh, thì nàng Chân Chân sẽ từ bức tranh bước xuống.”
Sau khi nghe được lời của họa sĩ, Triệu Nhan mỗi đêm đều gọi tên Chân Chân, đến ngày thứ 100, Triệu Nhan hét lên một tiếng “Chân Chân!”, và người trong tranh quả nhiên hồi đáp một tiếng “Ơi!”. Triệu Ngôn vội vàng đổ rượu ngâm tro màu lên bức tranh, trong phút chốc, nàng Chân Chân từ từ bước ra khỏi bức tranh, cùng Triệu Ngôn nói cười, giống y như người sống vậy.
Không lâu sau, Triệu Nhan kết hôn với Chân Chân và sau đó sinh được một cậu con trai. Triệu Nhan đã đạt được nguyện ước của mình, trong tâm thập phần vui mừng, cặp đôi sống rất hạnh phúc. Tuy nhiên, 3 năm sau, sự việc này được một người bạn của Triệu Nhan biết đến. Người bạn nói với Triệu Nhan, “Phu nhân của anh chắc là một nữ yêu. Sớm muộn, cô ta sẽ hại chết anh. Anh nên nghĩ cách tống khứ cô ấy càng sớm càng tốt!” Nói xong, anh ta đưa cho Triệu Nhan mượn một thanh bảo kiếm, đợi lúc ngủ sâu để giết Chân Chân.
Triệu Nhan lúc đó không có chủ ý gì, chỉ mang thanh kiếm bảo kiếm về nhà. Anh vừa bước chân vào nhà, Chân Chân đã nói với anh: “Ta nguyên lai là tiên nữ trên Nam Nhạc Sơn, có chút nhân duyên với ngươi, Hôm nay ngươi đã hoài nghi ta, ta không thể sống cùng ngươi dưới một mái nhà được nữa.” Triệu Nhan choáng váng trước sự biến đột ngột này, anh liên tục gọi “Chân Chân! Chân Chân!”, nhưng Chân Chân không nói thêm một câu, nàng nhẹ nhàng dẫn con trai của mình bước vào trong bức tranh. Về sau bức tranh này trở thành bức tranh mẹ và con.
Có rất nhiều ghi chép loại này trong các thư tịch Trung Quốc cổ, vì vậy chúng tôi sẽ không giới thiệu từng cái một. Những gì tôi nói ở trên chỉ là những ví dụ vô hại, những gì tôi sắp nói dưới đây sẽ khiến người ta kinh hãi.
Những cảnh tượng người tu luyện nhìn thấy
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, có một người đã mua hai bức tranh trên phố. Một bức là hình ảnh một con hổ, và bức còn lại là chân dung nhân vật Lý Ngọc Hòa trong “Đèn lồng đỏ”, một vở kịch mẫu của Cách mạng Văn hóa. Trong tranh, Lý Ngọc Hòa bị còng tay, sắp bị xử tử hình. Sau khi trở về nhà, người đàn ông tìm một chỗ trên tường và treo cả hai bức tranh lên.
Điều kỳ lạ là không lâu sau, ông cụ thân sinh đang khỏe mạnh ở nhà đổ bệnh, đi bệnh viện nhiều lần nhưng lần nào cũng không biết căn nguyên của căn bệnh này là gì. Vì vậy, người này nghĩ đến một phương pháp cũ, tìm một người xem toán quái. Thầy bói hỏi ông: “Nhà ông cúng gì?” Người xem bói nói: “Nhà tôi chẳng cúng gì cả”. Thầy bói nói: “Không đúng, tường nhà ông có treo một thứ rất lớn, còn có tai họa sắc máu trên đó, những thứ đó đã áp lên người ông cụ, chỉ cần hạ nó xuống là ổn.” Người này về nhà xem, liền minh bạch, nguyên lai là hai bức tranh con hổ và Lý Ngọc Hòa đang đảo loạn, liền tháo hai bức họa đó xuống. Quả nhiên quá thần kỳ, cụ ông đã nhanh chóng khỏi bệnh.
Một người tu hành nhiều năm trên thế gian đã khai mở Thiên Mục (con mắt Thần), nhìn thấy được đằng sau những bức tranh ảnh có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của con người, đều có rất nhiều các chủng các loại sinh mệnh tồn tại. Cô đã viết ra những gì tự mình nhìn thấy trong bài báo “Thiên Mục sở kiến: Sinh mệnh đằng sau tranh ảnh” để cảnh báo thế nhân, đặc biệt là những người tu hành, không bị hấp dẫn bởi những kỳ trang dị phục, và không vì chạy theo cái gọi là trào lưu hiện đại mà mặc những y phục có in tranh ảnh bất hảo.
Cô đã viết trong bài báo rằng, có một lần, khi cô đang đi cùng một người bạn, cô đột nhiên phát hiện hai con rắn từ hai bên thân người bạn của mình – đương nhiên chúng không phải trong không gian này, mà là trong một không gian khác. Cô hỏi bạn mình đang xảy ra chuyện gì. Bạn của cô cũng có một số công năng, liền nói, bản thân cô ấy cũng đã nhìn thấy bốn con rắn ở một không gian khác trong hai năm qua, và chúng vẫn xoắn vào nhau, nhưng cô ấy không thể hiểu tại sao.
Vị tu hành kia đột nhiên nhìn thấy y phục trên người bạn của mình có điều gì đó không ổn, cô nhìn kỹ các chữ cái O, G, L, v.v. trên y phục của bạn mình chính là rắn tổ thành. Cô vội vàng nói với bạn mình, bạn cô nghe thấy rất sốc, trước đó cô ấy không để ý nên nhanh chóng cởi ra và dùng kéo cắt họa tiết kia thành từng mảnh. Trong quá trình đó, người học viên nhìn thấy con rắn ở không gian khác cũng bị tiêu diệt.
Trong một lần khác, cô đến làm khách ở nhà một người bạn, dùng Thiên Mục nhìn, cô thấy ở không gian khác có hai con cáo lớn dẫn đầu một đàn cáo nhỏ đang chơi. Nhà bạn này không treo tranh hồ hoàng bạch liễu gì, vậy thì cáo ở đâu ra vậy, lại còn cả nhóm rất đông! Cô quan sát xung quanh, kết quả phát hiện có hai túi lớn trên y phục của người nhà người bạn, mỗi túi đều có một cái đầu cáo lớn. Vậy là nguồn gốc của hai con cáo lớn đã được tìm thấy, còn những con cáo nhỏ thì sao?
Họ tìm đi tìm lại, không thấy có họa tiết như vậy trên quần áo. Đột nhiên, người bạn của cô chợt nhận ra và nói: “Tôi mua ở cửa hàng Firefox, trên túi ni lông có họa tiết cáo”. Hóa ra gần nhà người bạn có một cửa hàng tên là “Firefox”, và trên những chiếc túi ni lông trong cửa hàng có in hình con cáo. Người mua thứ gì đó thấy tiếc vứt túi ni lông nên đã để lại, kết quả là gia đình tích cóp được một đàn cáo con.
Lại nói về những họa tiết sẫm màu trên quần áo trẻ em của nhãn hiệu “Giang Nam bố y”. Nếu những gì vị tu hành giả này nói là sự thật, hãy nghĩ xem, nó sẽ khủng khiếp như thế nào khi mặc những họa tiết đáng sợ đó trên người trẻ em. Vì vậy, vì sự an toàn của bản thân và gia đình, tốt hơn hết bạn nên tránh xa những thiết kế coi sự quái dị là xu hướng mới và yêu phong tà khí là trào lưu.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch