Mới đây, một công ty thiết kế ở New York mang tên Clouds Architecture Office đã đưa ra một ý tưởng liều lĩnh, táo bạo và nghe có phần hoang đường – một tòa tháp chọc trời treo dưới một tiểu hành tinh lân cận quay xung quanh Trái Đất.

Tháp chọc trời cao hàng trăm tầng không còn là điều gì quá xa lạ trên thế giới. Nhưng ý tưởng về tòa tháp chọc trời này thật sự “nằm ngoài thế giới và chọc xuyên bầu trời”, đúng như tên gọi của nó theo nghĩa đen.

Với cái tên “Analemma”, đây sẽ là tòa tháp “cao nhất” thế giới, hay nói đúng hơn, tòa tháp có chiều dài lớn nhất thế giới do được treo dưới một tiểu hành tinh thay vì xây dựng trên bề mặt Trái Đất.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Theo trang web của công ty, tòa tháp này sẽ sử dụng một mạng lưới cáp có sức bền cao gọi là Hệ thống Hỗ trợ Quỹ đạo Toàn cầu (Universal Orbital Support System – UOSS) để gắn chắc vào tiểu hành tinh. Tiểu hành tinh cùng tòa tháp sẽ dịch chuyển theo chu kỳ 24 giờ đồng hồ, tuân theo quỹ đạo có mô thức số 8 bên trên Bán cầu Bắc và Nam, đi qua các thành phố lớn như Havana (Cuba), Panama City (Panama) và New York (Mỹ), trước khi trở lại vị trí ban đầu vào cuối mỗi ngày.

Theo mẫu thiết kế, tòa tháp này không chỉ đơn thuần là một tòa tháp chọc trời lớn, mà trên thực tế là một thành phố nổi được chia làm nhiều phần, bao gồm khu vực ăn uống/mua sắm/giải trí ở dưới cùng (gần bề mặt Trái Đất nhất). Dần lên phía trên lần lượt là khu vực văn phòng thương mại, khu vực trồng trọt, khu vực dân cư, và thậm chí một nơi dành riêng cho việc thờ cúng.

Analemma sẽ là một thành phố nổi được chia thành nhiều phần, mỗi phần đều có chức năng riêng như khu văn phòng, khu mua sắm, khu dân cư v.v… (Ảnh: Internet).

tháp chọc trờiCác kiến trúc sư lên kế hoạch thiết kế cửa sổ “biến hình” có khả năng thay đổi kích cỡ theo độ cao để thích ứng với sự chênh lệch áp suất và nhiệt độ. (Ảnh: Internet)

Với vị trí đặc thù trong không gian, tòa tháp sẽ sử dụng các tấm pin mặt trời để thu thập năng lượng, cùng một hệ thống lọc để ngưng tự mây và nước mưa nhằm lấy nước ngọt.

Trong dự án này, các mô-đun prefab (khối nhà được xây sẵn) sẽ được phóng lên không gian bằng tên lửa rồi tiến hành lắp ráp trong môi trường vi trọng lực, thay vì xây một tòa tháp lớn trên Trái Đất rồi phóng toàn bộ vào quỹ đạo.

Liệu dự án đầy tham vọng này có thể khả thi hay không, đây là một vấn đề chưa chắc chắn. Có rất nhiều câu hỏi cần trả lời, ví dụ: Làm sao lên xuống tòa tháp đó? Khi thời tiết cực đoan xảy ra thì đối phó như thế nào? Làm thế nào để chế ngự một tiểu hành tinh trên quỹ đạo gần Trái Đất?

Đây có thể chỉ là một giấc mơ xa vời, nhưng nó thể hiện ước vọng của nhân loại trong việc chinh phục những tầm cao mới.

Quý Khải

Xem thêm: