Có những hiện tượng mà chính bản thân các nhà khoa học cũng không thể nào giải thích được, chẳng hạn như “Giả thuyết nhà hóa học có râu“. Chúng đang cố gắng tiết lộ điều gì cho nhân loại?

“Dĩ nhiên chúng ta có thể đơn thuần xem nguồn gốc của vũ trụ và tạo hoá bên trong nó như một bí ẩn không thể nhìn thấu, vì thế mà cứ để nguyên như vậy. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ nhận thấy có tồn tại một số truyền thống tư tưởng lâu đời về nguồn gốc tạo hoá tối hậu… Chẳng hạn như Đấng Độc Nhất (the One), Đấng Brahma, Cõi hư vô (the Void), Đạo, cõi vĩnh hằng của thần Shiva và Shakti, hay Chúa ba ngôi (Holy Trinity).

Trong tất cả các truyền thuyết này, sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ tiếp cận đến giới hạn của tư tưởng khái niệm, và sẽ phải chấp nhận những giới hạn này. Chỉ có đức tin, thiền định, sự giác ngộ, hay Ân huệ của Chúa mới có thể đưa chúng ta vượt qua những giới hạn này”.

TS. Rupert Sheldrake viết trong cuốn “Sự hiện diện của quá khứ”.

Khi một nhà khoa học tại bất kỳ một phòng thí nghiệm nào trên thế giới cố gắng tổng hợp một loại tinh thể mới, họ thường nhận thấy công việc này cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, cứ mỗi lần có một nhà khoa học nào đó thành công, thì các đồng nghiệp của ông ta ở khắp nơi trên thế giới dường như đều có thể hoàn thành công việc tổng hợp hợp chất hoá học mới của riêng họ một cách nhanh chóng hơn. Trên thực tế, khi hợp chất đó được kết tinh càng nhiều lần, quy trình này càng trở nên dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn vào mỗi lần kế tiếp.

Giả thuyết "nhà hóa học có râu" và thế giới trong cái nhìn của Giáo sư Rupert Sheldrake
Tổng hợp một hợp chất mới ngày càng là một bài toán khó khăn hơn (Ảnh: Linde-engineering.com)

Hiện tượng lạ lùng này, được các nhà khoa học trên toàn thế giới biết đến với cái tên “Giả thuyết nhà hoá học có râu“. Nó là một trong những hiện tượng tương đối khó hiểu đối với các nhà khoa học hiện đại. Tên gọi này bắt nguồn từ cách giải thích ‘hợp lý nhất’ cho loại hiện tượng này: tại phòng thí nghiệm nơi đợt tổng hợp đầu tiên diễn ra, các hạt của hợp chất này mắc vào râu, quần áo, hay vật dụng cá nhân của một nhà khoa học. Nhà khoa học này sau đó sẽ đi đến phòng thí nghiệm của một người bạn, để lại một lượng nhỏ hợp chất mới trong phòng, trên ghế, hay những khu vực lân cận. Chính các hạt ngoại lai này đóng vai trò như một ‘mẫu’ cho việc kết tinh mới chất đó.

Nhưng giả thuyết này lại đặt ra một tình huống khó xử: điều gì sẽ xảy ra nếu hợp chất này được tổng hợp trực tiếp ngay sau lần đầu, khi một trong những “nhà khoa học có râu” này không mang theo mình các hạt tinh thể nói trên từ nơi này đến nơi khác? Một cách giải thích khác, không kém phần ‘hợp lý’ so với cách giải thích ban đầu, cho rằng các hạt trên có thể di chuyển trong không khí từ nơi này đến nơi khác. Nói ngắn gọn, cách giải thích này phụ thuộc vào những sự việc phi thường.

Rupert Sheldrake, tiến sỹ sinh học tại Đại học Cambridge, nhà nghiên cứu là khởi nguồn của nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học, cho rằng không cần đến những “nhà khoa học có râu” hay điều huyền diệu nào đó để lý giải quá trình này. Đối với TS. Sheldrake, hiện tượng này cũng như rất nhiều hiện tượng tương tự khác — mà cho đến nay vẫn là một phạm trù bất khả tư nghị đối với sự hiểu biết của ngành sinh học truyền thống — lại có thể được giải thích một cách dễ dàng một khi chúng ta làm quen với khái niệm vũ trụ của “các trường hình thái” (morphic fields).

Giả thuyết "nhà hóa học có râu" và thế giới trong cái nhìn của Giáo sư Rupert Sheldrake
Thí nghiệm trên bầy khỉ rửa khoai lang ở hòn đảo Koshima, Nhật Bản (Ảnh: Nccg.org)

Vậy các trường hình thái này là cái gì? Hãy xem xét một thí nghiệm liên quan đến loài khỉ trên hòn đảo Koshima, Nhật Bản, vốn đã thu hút được sự quan tâm của các nhà sinh học trên khắp thế giới vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước.

Năm 1952, một nhóm các nhà khoa học trên quần đảo này cho đàn khỉ ăn khoai lang. Họ đã để ý thấy một con khỉ cái trong đàn có tên “Imo” bắt đầu hình thành thói quen rửa khoai lang dưới suối. Họ trở nên vô cùng kinh ngạc khi nhận thấy các con khỉ khác trong đàn cũng đã học theo Imo. Chỉ trong vài năm, tất cả bầy khỉ trên đảo đã học được cách dùng nước để rửa sạch đất bẩn và cát bám vào khoai lang. Sau đó, thí nghiệm này đã có một bước đột phá khi các nhà khoa học để ý thấy chỉ trong vòng sáu năm, bầy khỉ trên khu vực đất liền ở Nhật Bản (vốn không hề tiếp xúc với bầy khỉ trên hòn đảo nói trên) cũng bắt đầu học cách rửa sạch khoai lang trước khi ăn.

Đối với TS. Sheldrake, hành vi của bầy khỉ trên đảo Koshima và hiện tượng một tinh thể được đồng loạt tạo ra ở các phòng thí nghiệm riêng biệt, vốn không có bất cứ mối liên hệ nào với nhau trên thế giới, tất cả chúng đều bắt nguồn từ cùng một nguyên lý. Nếu mỗi sự việc, hành động hoặc ý tưởng nào đó đều hình thành hoặc củng cố một “trí nhớ vốn có” trong không gian vũ trụ, thì điều này có thể sẽ tác động đến một sự kiện tương lai khác với những yếu tố tương tự.

Cụ thể là, nếu hành động rửa sạch khoai lang của một con khỉ xuất hiện trong khi chưa từng tồn tại một khuôn mẫu hay một “trường hình thái” như vậy từ trước trong vũ trụ, thì khi con khỉ này làm như thế, hành động này sẽ trở thành một hành vi mang tính “bản năng” hơn đối với toàn bộ chủng loài khỉ. Tương tự nếu các con khỉ khác quyết định làm điều tương tự, thì trường hình thái tương ứng của hành vi “rửa sạch khoai lang” sẽ xuất hiện một lần nữa để củng cố cho hành vi loại này. Theo cách này, một con khỉ, dù không được tiếp xúc trực tiếp với những con khỉ khác, nhưng sẽ vẫn có thể kết nối hành vi của nó với bầy khỉ thông qua trường vũ trụ nói trên. Tương tự như thế, nếu một hợp chất hóa học thiếu một trường hình thái, thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều để hợp chất đó có thể kết tinh so với những hợp chất đã có sẵn trường này.

Giả thuyết "nhà hóa học có râu" và thế giới trong cái nhìn của Giáo sư Rupert Sheldrake
Bìa cuốn sách “Sự hiện diện của quá khứ” của TS. Rupert Sheldrake (Ảnh: Rupert Sheldrake, Theo Amazon.co.uk)

Nói cách khác, một hành vi của bất kỳ nhân tố nào trong vũ trụ – dù là động vật, thực vật hay khoáng chất – cũng sẽ tạo ra một loại trí nhớ cộng hưởng có khả năng truyền dẫn đến các nhân tố cùng loại hoặc tương đồng. Thực tế, hai nhân tố càng giống nhau bao nhiêu (như hai con vật thuộc cùng một chủng loài) thì trường hình thái được truyền dẫn giữa hai nhân tố này sẽ lại càng dễ dàng bấy nhiêu.

Mỗi cá thể vừa đồng thời sử dụng vừa đồng thời đóng góp cho trí nhớ tập thể của chủng loài. Điều này cho thấy các kiểu mẫu hành vi mới có thể lan truyền nhanh chóng hơn so với lẽ thường. Lấy ví dụ, nếu một giống chuột nào đó học được một loại hành vi mới ở Harvard (Mỹ), thì những con chuột cùng giống có khả năng sẽ học được cùng một loại hành vi đó nhanh hơn trên khắp thế giới (ví như ở Edinburgh, Anh hay Melbourne, Úc)”, TS. Sheldrake nhận định trong bài viết với nhan đề “Những trường hình thái và cộng hưởng hình thái” (Morphic Fields and Morphic Resonance).

Thực tế, các thí nghiệm minh hoạ cho nguyên lý này đã được tiết lộ trong rất nhiều trường hợp khác, lấy thí nghiệm cổ điển của TS. William McDougall là một ví dụ. Thí nghiệm của ông nhằm mục đích đo lường mức độ thông minh của các con chuột khi vượt qua mê cung. Những con chuột được xếp hạng “thông minh” chỉ giao phối với nhau, và cũng như vậy đối với những con bị xếp loại “ngu đần”. Dòng giống chuột thông minh và ngu đần được tách riêng và cô lập, và thí nghiệm này đã kéo dài trong hơn 50 năm – bắt đầu tại Đại học Harvard và tiếp tục tại Scotland và Úc.

Giả thuyết "nhà hóa học có râu" và thế giới trong cái nhìn của Giáo sư Rupert Sheldrake
Kết quả nghiên cứu của TS. McDougall năm 1938 cho số lượng lỗi mà những con chuột mắc phải giảm dần trong các thế hệ tiếp theo (Ảnh: McDougall)

Kết quả cuối cùng vừa đáng ngạc nhiên vừa đầy ý nghĩa: trong mười, hai mươi thế hệ nối tiếp và hơn thế nữa, bầy chuột từ cả hai dòng giống thông minh và ngu đần càng ngày càng vượt mê cung nhanh hơn, dù không hề được tiếp xúc với thí nghiệm này trước đó. Cả bầy chuột thông minh và ngu đần đều có thể hoàn thành thí nghiệm này nhanh gấp khoảng 10 lần so với bầy chuột thí nghiệm ban đầu. Ngay cả cho đến ngày nay, cũng không có lý thuyết nào có thể lý giải cho kết quả của hiện tượng này ngoài lý thuyết về “các trường hình thái”.

Ngoại trừ Rupert Sheldrake, các nhà khoa học khác dường như đều gặp khó khăn khi cố gắng giải thích biểu hiện lạ lùng như vậy của bầy chuột, bầy khỉ trên đảo Koshima hay hiện tượng đồng loạt kết tinh những hợp chất hóa học mới. Bất kể chúng ta nhìn nhận đây là sự thật hay lừa dối, hoang tưởng hay hiện thực, thì trường của khoa học chính thể luận (môn khoa học cho rằng vạn vật trong vũ trụ đều kết nối với nhau) dường như vẫn chưa đạt tới tiềm năng của nó trong một thế giới mà “phương pháp khoa học” chiếm thế thượng phong so với các nhận thức phổ biến.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bài gốc tại đây.
Hoàng Sâm biên dịch

Xem thêm: