Hiện tại, lượng CO2 từ hoạt động phá rừng đã ngang bằng với lượng CO2 được hấp thụ bởi các khu rừng nhiệt đới còn tồn tại.

Rừng nhiệt đới mà chúng ta vẫn hay gọi là 'lá phổi xanh' sắp trở thành 'lá phổi đen' gây hiệu ứng nhà kính
Rừng nhiệt đới dần trở nên nhỏ bé và thưa thớt hơn. (Ảnh: USAID / Wikimedia)

Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại học Edinburgh (Anh). Các khu rừng đang bị hủy hoại, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Điều đáng nói là hoạt động phá rừng đã chiếm khoảng 1/5 tổng lượng phát thải khí nhà kính (CO2) do con người tạo ra gần đây.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chỉ trong vòng một thập kỷ tới những khu rừng nhiệt đới, vốn được coi là những “lá phổi xanh” có nguy cơ trở thành những “lá phổi đen” làm Trái Đất của chúng ta nóng lên. Và điều đó thực sự đáng lo ngại.

“Thật khó để dự đoán số phận của rừng nhiệt đới ở thời điểm hiện tại. Biến đổi khí hậu sẽ gây ra nắng nóng, hạn hán kéo dài giết chết nhiều cây xanh, nhưng đồng thời mức độ CO2 trong bầu khí quyển cao hơn sẽ giúp cây tăng trưởng.” – Tiến sĩ Ed Mitchard chia sẻ vấn đề thách thức các nhà khoa học.

Mục tiêu chính trong Hiệp định Paris năm 2015 là tìm ra cách để hạn chế hiệu ứng nhà kính. Chúng ta không biết khí hậu sẽ ảnh hưởng đến rừng như thế nào, cũng như các quốc gia đang bảo vệ rừng ra sao; nhưng có một điều chắc chắn rừng là thứ duy nhất còn tồn tại mà con người có thể nhờ cậy.

Việt Đức