Chim bồ câu có khả năng phân biệt giữa các khái niệm trừu tượng về thời gian và không gian, như con người và loài khỉ hình người. Các thí nghiệm cho thấy rằng chúng thông minh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.
Theo một nghiên cứu được đăng trên Current Biology tháng trước, Edward Wasserman – giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại ĐH Iowa (Mỹ) đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu nhận định: “Năng lực nhận thức của loài chim bồ câu rất giống với con người và loài khỉ hình người lớn. Trên thực tế, những hệ thống thần kinh của loài chim này có nhiều khả năng hơn là biểu hiện bên ngoài của chúng, nghĩa là chúng có một bộ não hoàn chỉnh tương tự như chúng ta”.
Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu cho chim bồ câu quan sát các đường kẻ ngang cố định dài 6 cm hoặc 24 cm, xuất hiện trong thời gian 2 – 8 giây trên màn hình. Bồ câu có thể chọn một trong bốn biểu tượng trực quan để chỉ ra đường kẻ chúng nhìn thấy là dài hay ngắn, hoặc thời gian đường kẻ xuất hiện ngắn hay lâu hơn. Với mỗi câu trả lời đúng chúng nhận được phần thưởng là thức ăn.
Giống chim bồ câu đá gần như không còn vì bị săn bắn cũng như lai với bồ câu nhà. Loài chim này phát triển trên các đồng bằng lục địa châu Á, sau đó di cư rộng khắp Tây Âu và Bắc Phi. Tại Jordan và Palestine, người ta tìm thấy các hóa thạch của loài chim này với niên đại đến 310.000 năm.
Có 4 biểu tượng hình ảnh để cho chim bồ câu lựa chọn nhằm giúp các nhà khoa học xác định đường kẻ ngang là dài hay ngắn, sau đó mức độ khó tăng dần ở các bài kiểm tra bằng cách hiển thị các đường kẻ trên màn hình với kích thước và thời gian xuất hiện thay đổi ngẫu nhiên. Tuy nhiên, chim bồ câu có thể xác định được phần lớn các đường kẻ xuất hiện lâu hơn và chúng thường là các đường kẻ dài nhất.
Giáo sư Wasserman nhận định rằng: “Kết quả này chỉ ra rằng chim bồ câu sử dụng cùng một khu vực não bộ để đo lường không gian và thời gian, nó chỉ ra rằng bồ câu không xử lý các khái niệm trừu tượng này một cách riêng biệt”. Các thử nghiệm trên người và khỉ hình người cũng nhận được kết quả tương tự, mặc dù cấu tạo khác với vùng não mà chim bồ câu sử dụng.
Các tác giả cho biết, ở người và các động vật linh trưởng, tiến trình xử lý các thông tin không gian và thời gian trừu tượng xảy ra ở phần thùy đỉnh vỏ não. Chim bồ câu không có thùy đỉnh vì vậy chúng phải dùng phần khác của não để phân biệt các khái niệm này.
Kết quả của thí nghiệm ủng hộ quan điểm đang ngày càng tăng trong cộng đồng khoa học cho rằng các loài động vật khác như chim, bò sát và cá có thể đưa ra quyết định từ các khái niệm từ tượng. Các thí nghiệm khác cũng cho thấy quạ thông minh như loài linh trưởng, đặc biệt trong việc tạo ra các công cụ để lấy thức ăn.
Sơn Tùng