Nhiều người cho rằng Tượng Nhân sư lớn ở Ai Cập được xây dựng từ một niên đại rất xa xưa và lớn hơn hàng nghìn năm so với mốc niên đại được nhìn nhận một cách phổ biến ngày nay. Điều này đã làm dậy sóng giới khảo cổ nhiều thế kỷ qua, mặc dù vậy ngày nay người ta đã thu thập được các bằng chứng cho thấy quan điểm này là hoàn toàn có căn cứ.
Từ đầu những năm 1990, nhà khảo cổ, Tiến sĩ Robert M. Schoch đến từ trường Đại học Boston đã trở thành người đầu tiên khơi mào câu chuyện, người đầu tiên khởi lên các đợt sóng đó, khi tuyên bố: Tượng Nhân sư có thể có niên đại từ 5000 – 7000 năm TCN, tức là nó tồn tại từ trước khi nền văn minh của vương triều Ai Cập cổ đại xuất hiện.
“Năm 1990, tôi lần đầu tiên đến Ai Cập với mục đích duy nhất là nghiên cứu bức Tượng Nhân sư lớn dưới góc độ địa chất. Lúc đầu tôi cũng nghĩ là các nhà Ai Cập học đã chính xác trên phương diện định tuổi. Nhưng, không lâu sau đó tôi phát hiện thấy các bằng chứng địa chất lại không tương thích với điều các nhà Ai Cập học từng khẳng định”, TS Schoch chia sẻ trên trang web của mình.
Theo các nhà Ai Cập học và sử học, Tượng Nhân sư đã được xây dựng trong quá trình trị vì của Pha-ra-ông Khafre và đã được chính vị vua này ra lệnh xây dựng vào 2500 TCN. Tuy nhiên, các bằng chứng địa chất dường như đã ám chỉ đến một thời kỳ còn xa xưa hơn nữa.
TS Schoch cho biết, ông đã khá may mắn khi nhận thấy rằng có một vài công trình lận cận có niên đại từ thời kỳ Vương quốc cổ (Old Kingdom) trong giai đoạn lịch sử Ai Cập cổ đại mà ông có thể dùng để đối chiếu niên đại với bức Tượng Nhân sư. Những công trình này có các vết tích rõ ràng của tình trạng xói mòn gió và cát, trong khi đó Tượng Nhân sư lại bị xói mòn bởi bởi nước mưa và các dòng chảy.
“Tôi phát hiện thấy các vết tích xói mòn rõ rệt mà tôi cho rằng chỉ có thể được tạo ra bởi nước mưa và dòng nước chảy”, TS Schoch tiếp tục. “Nhưng vấn đề là, Tượng Nhân sư nằm ở bên rìa sa mạc Sahara và khu vực này đã trở nên khá khô cằn trong vòng 5000 năm trở lại đây”.
Ông kết luận rằng, Tượng Nhân sư phải xuất hiện từ một niên đại xa xưa hơn. Và theo ông, hẳn bức tượng này phải có niên đại đâu đó trong giai đoạn từ năm 5000 đến năm 9000 TCN, khi vùng đất này có lượng nước mưa thường niên đáng kể.
Ngoài ra, khi khám nghiệm chi tiết hơn, TS Schoch tin rằng Pha-ra-ông Khafre đã cho tân trang lại Tượng Nhân sư khi nó được đặt vào thành một phần trong quần thể lăng mộ của ông và đã được sửa chữa thêm nhiều lần nữa trong suốt giai đoạn vương triều của Ai Cập cổ đại.
“Một điểm khá rõ ràng đối với tôi là phần đầu bức tượng hiện tại không phải là phần đầu nguyên gốc. Phần đầu nguyên gốc có thể đã bị biến dạng và xói mòn nghiêm trọng và trong quá trình tái chạm khắc trong suốt các giai đoạn vương triều, nó đã dần trở nên nhỏ hơn”, TS Schoch nói.
Ông cho rằng nếu trong hình dạng nguyên gốc của nó, Tượng Nhân sư có thể không nhất định là một bức tượng nhân sư, mà rất có thể là một con sử tử.
Một cách tự nhiên, những khám phá này đã làm rất nhiều nhà khoa học, nhà sử học, và nhà Ai Cập học chấn động, vì trước đó họ chưa từng tìm thấy một bằng chứng nào cho thấy bức Tượng Nhân sư được xây dựng vào một thời kỳ lịch sử xa xưa đến như vậy. Tuy nhiên họ đã dần thay đổi quan điểm của mình sau khi khai quật được một số di chỉ khảo cổ khác có niên đại từ trước nền văn minh của con người ngày nay. Một trong những di chỉ như vậy là đền Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có niên đại ước chừng khoảng từ năm 9000 TCN.
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả: Paul Darin, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: