Thủ tướng Canada Justin Trudeau vừa tuyên bố Chính phủ của ông sẽ ban hành lệnh cấm toàn diện đồ nhựa dùng một lần vào năm 2021. Đề cập đến vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đang gây hại cho hành tinh chúng ta, ông Trudeau cho rằng chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ nó thêm nữa, Vision Times cho hay.

Canada quyết định cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
(Ảnh: Inhabitat)

Cấm đồ nhựa dùng một lần

Trong tuyên bố, Thủ tướng Trudeau không đề cập cụ thể mặt hàng nào sẽ bị cấm. Trước tiên có lẽ Chính phủ sẽ xác định loại nhựa nào có hại nhất rồi sau đó mới bắt đầu cấm sử dụng chúng. Canada sẽ đặt ra các tiêu chuẩn và mục tiêu nghiêm ngặt cho các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhựa hoặc bán các sản phẩm đóng gói bằng nhựa. Các công ty này cũng sẽ chịu trách nhiệm tái chế lại chất thải nhựa của họ theo lệnh cấm được thông qua.

Theo nhà chức trách Canada, lệnh cấm có thể loại bỏ khoảng 2 triệu tấn khí carbon thải ra môi trường (trong quá trình sản xuất đồ nhựa). Họ cũng kỳ vọng ​​sẽ tạo thêm khoảng 42.000 việc làm và điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp nhựa của Canada hiện đang tạo ra công ăn việc làm cho gần 100.000 người lao động, và tạo ra doanh thu 35 tỷ USD. Như vậy, ảnh hưởng và tác động thực sự của lệnh cấm nhựa đối với nền kinh tế xứ sở lá phong đòi hỏi phải có một nghiên cứu chi tiết hơn nhiều.

Hiện tại, Canada chỉ tái chế được khoảng 10% lượng rác thải nhựa. Nếu việc tiêu thụ nhựa giữ nguyên hiện trạng, người Canada sẽ thải ra một lượng rác thải nhựa trị giá 11 tỷ USD vào năm 2030. Tuy rằng mong muốn cắt giảm chất thải nhựa của Thủ tướng Trudeau đã bước đầu nhận được sự ủng hộ, một vài chuyên gia lo ngại liệu lệnh cấm có phải là hướng đi đúng đắn. Morton Barlaz, một kỹ sư môi trường từ Đại học North Carolina (Mỹ), tin rằng chúng ta nên khuyến khích mọi người tránh sử dụng đồ nhựa.

Canada quyết định cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
Canada chỉ tái chế khoảng 10% lượng rác thải nhựa. (Ảnh: YouTube )

Trả lời phỏng vấn với PBS , ông nói: 

“Không sự thúc đẩy nào hiệu quả bằng tiền. Thay vì cấm dùng túi nhựa, chúng ta có thể bắt đầu tính thêm chi phí cho việc sử dụng chúng… Bất cứ vật dụng nào chúng ta đang đề cập đến – như ống hút, túi nhựa, dao kéo nhựa – đều là những thứ phổ biến mà người tiêu dùng cần sử dụng. Nếu ban hành lệnh cấm, chúng ta cần suy nghĩ về các loại vật dụng thay thế phù hợp và liệu những vật dụng thay thế đó sẽ có tác động như thế nào đối với con người và môi trường xung quanh”.

Ngoài ra còn có vấn đề về giá cả. Mặc dù đa số người Canada sẽ công khai ủng hộ lệnh cấm nhựa, nhưng họ có thể sẽ không đồng ý chịu những thiệt hại kinh tế từ lệnh cấm. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Dalhousie (Canada) cho thấy gần 89% người Canada không muốn trả thêm 2,5% chi phí cho các sản phẩm do hệ quả của lệnh cấm nhựa.

Lệnh cấm của Liên minh Châu Âu (EU)

Tháng 3 năm nay, Liên minh châu Âu đã phê chuẩn luật cấm các mặt hàng nhựa dùng một lần như dao kéo nhựa, ống hút và tăm bông vào năm 2021. Các nhà sản xuất đồ câu cá sẽ phải trả phí cho bất kỳ lưới nhựa nào vớt lên từ biển.

Canada quyết định cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
(Ảnh: Pixabay)

Theo thông tin từ Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (International Institute for Sustainable Development),

“Theo bộ luật mới, EU sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên đạt mức tỷ lệ thu hồi chai nhựa lên đến 90% vào năm 2029 và 77% vào năm 2025. Luật cũng yêu cầu chai nhựa phải chứa hàm lượng sẽ được tái chế lên đến ít nhất 30% vào năm 2030 và 25% vào năm 2025. Những biện pháp này nhằm thay đổi một cách nhanh chóng nhận thức của người tiêu dùng, mang đến những lợi ích về kinh tế và môi trường, bao gồm việc tránh được việc phát thải 3,4 triệu tấn carbon dioxide ra môi trường”.

Bộ luật mới đã được thông qua sau khi EU phát hiện ra nhựa đang chiếm hơn 80% lượng rác thải trên biển. Theo ước tính, các đại dương trên thế giới bị ô nhiễm với gần 150 triệu tấn nhựa, với khoảng 13 triệu tấn nhựa bổ sung thêm hàng năm. Một vài chuyên gia dự đoán khối lượng chất thải nhựa có thể sẽ lớn hơn cả lượng cá trong đại dương vào năm 2050.

videoinfo__video3.dkn.tv||4a044844f__