Chúng ta đã nghe rất nhiều về tính cấp thiết phải tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường từ “những nhà lãnh đạo thế giới” ở các quốc gia phát triển, tuy nhiên các thành quả đạt được trên thực tế vẫn còn khá hạn chế. Những quốc gia giàu có có thể sẽ sớm bị làm bẽ mặt bởi các quốc đảo nhỏ tràn ngập nắng và gió ở vùng nhiệt đới, và không bị chất đầy các trạm phát điện lỗi thời để phải tiếp tục vận hành. Ngoài ra những hòn đảo này nằm trong số những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Không lạ gì khi trong số 15 quốc gia đầu tiên ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 22/4 vừa qua, có đến 13 quốc đảo ở khu vực nhiệt đới.

Có thể thấy rõ sự phát triển ấn tượng của ngành năng lượng tái tạo dọc vùng biển Caribe. Trình độ chuyên môn gia tăng trong việc khai thác các loại năng lượng tái tạo, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh một nghiên cứu năm 2014 về ngành năng lượng ở Barbados, tất cả đều cho thấy hòn đảo nhỏ này có thể chuyển đổi một cách dễ dàng sang một hệ thống sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Solar power at the University of the West Indies campus, Barbados. (Tom Rogers) Các tấm pin năng lượng Mặt Trời tại cơ sở Barbados của Đại học West Indies. (Ảnh: Tom Rogers)
Các tấm pin năng lượng Mặt Trời tại cơ sở Barbados của Đại học West Indies. (Ảnh: Tom Rogers)

Các quá trình tương tự cũng được áp dụng tại những hòn đảo khác ở vùng nhiệt đới, bao gồm Aruba, Seychelles, Mauritius, và các quốc đảo ở Thái Bình Đương. Những thay đổi này có thể xảy ra trong vài năm tới thay vì trong vài thập kỷ theo như dự đoán đối với các nước công nghiệp.

Các quốc đảo vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo

Các quốc đảo nhỏ thường có những mức giá điện cao nhất trên thế giới. Trừ phi chúng tình cờ ngồi trên các mỏ dầu hoặc mỏ than lớn (nhưng hầu hết không phải như vậy), thì chúng sẽ buộc phải nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài và có thể bị “khóa cứng” vào các loại nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ và gây ô nhiễm môi trường. Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, người dân Caribe có một thái độ khá lạc quan đối với cuộc sống và viễn cảnh “khóa cứng” này trên thực tế có thể thúc đẩy những hòn đảo này trở thành những quốc gia đầu tiên trên thế giới chuyển dịch toàn bộ sang các hệ thống năng lượng sạch—một kỳ tích vì hiện nay hầu hết các hòn đảo này đều được vận hành gần như toàn bộ bằng nhiên liệu hóa thạch.

Hệ thống năng lượng của một quốc gia thường được hình thành từ các trạm phát điện nền và trạm phát điện lúc cao điểm. Các trạm phát điện nền không thể tăng hoặc giảm đột ngột lượng cung cấp điện quá nhanh, nhưng có khả năng cung cấp điện giá rẻ. Chúng bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện than, và nhà máy điện tua bin kết hợp hơi-khí. Các trạm phát điện lúc cao điểm có khả năng nhanh chóng tăng hoặc giảm đột ngột để đáp ứng với sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng. Các ví dụ bao gồm nhà máy thủy điện, nhà máy điện khí, và, thích hợp với các quốc đảo nhỏ, các động cơ diesel tốc độ thấp.

The Caribbean island of St Maarten imports diesel oil and burns it here. Steve Heap / shutterstock Đảo St Maarten ở vùng biển Caribe nhập khẩu dầu diesel và đốt nó ở đây. (Ảnh: Steve Heap /Shutterstock)
Đảo St Maarten ở vùng biển Caribe nhập khẩu dầu diesel và đốt nó ở đây. (Ảnh: Steve Heap /Shutterstock)

Các hòn đảo nhỏ chủ yếu khai thác năng lượng của họ từ những động cơ diesel tốc độ thấp này, vốn có thể vận hành hiệu quả như một nguồn dự phòng cho năng lượng không liên tục từ gió và Mặt Trời, cho tới khi một thiết bị lưu trữ điện thích hợp có thể được triển khai, ví như thủy điện tích năng.

Ngược lại, các nước công nghiệp lớn bị giới hạn bởi các trạm nhiệt điện than hay điện hạt nhân hiện tại của họ, nhiều trạm điện trong đó còn cả thập kỷ để vận hành. Vì vậy trên cả mặt kỹ thuật và kinh tế, các hệ thống năng lượng tại các đảo nhỏ sở hữu một số lợi thế nhất định khi so sánh với các nước công nghiệp lớn.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và đón các đợt gió mậu dịch, nhiều quốc đảo cũng sở hữu các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt. Trong khoảng thời gian vận hành, một hệ thống điện Mặt Trời ở các khu vực nhiệt đới sẽ cho ra một sản lượng điện nhiều hơn 50% so với một hệ thống tương đồng được thiết lập tại các vĩ độ cao hơn như ở Châu Âu hay Bắc Mỹ.

Các bờ biển ở phía đón gió của những hòn đảo này thường là vùng nông thôn và đón nhận các đợt gió đáng ghen tỵ; cách xa các du khách, các chuyên gia về năng lượng gió đã miêu tả những hòn đảo này là các bệ gió thực tiễn ngoài khơi. Gió tiện ích có thêm một lợi ích nữa là nó có thể cung cấp một tác nhân kích thích cho các ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng của sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu mía đường.

Tất nhiên điện chỉ là một bộ phận của nhu cầu năng lượng của một quốc gia. Trên các hòn đảo nhỏ, khoảng 50% nguồn năng lượng có thể được sử dụng trong ngành giao thông vận tải nhưng một lần nữa những quốc gia này có thể vượt lên phía trước bằng cách điện khí hóa các phương tiện của họ.

Giá đổ xăng ở đây khá cao vì tất cả xăng đều được nhập khẩu, nên các chuyến hành trình tương đối ngắn trên các hòn đảo nhỏ biến chúng thành nơi lý tưởng cho các loại xe điện tầm ngắn ngày nay. Ở Barbados, 4% tất cả phương tiện mới được chào bán là xe điện—vẫn còn là một phần nhỏ của thị trường, nhưng lớn hơn rất nhiều so với ở Mỹ, Trung Quốc, hay hầu hết các quốc gia Châu Âu, và đã tăng lên từ 0% cách đây chỉ vài năm về trước.

Các quốc đảo nhỏ có tiềm năng nhanh chóng chuyển dịch hệ thống năng lượng của họ sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên cơ hội và các phần thưởng vẫn chưa rõ ràng đối với tất cả. Barbados, một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, sẽ sớm kỷ niệm 50 năm độc lập. Còn cách nào tốt hơn để đánh dấu thời khắc này ngoài việc đạt được sự độc lập về năng lượng, hướng tới một hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo 100%?

Tác giả: Tom Rogers, The Conversation.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.

https://theconversation.com/small-tropical-islands-could-become-the-worlds-first-100-renewable-nations-59357
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: