Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ có tốc độ đột phá nhanh nhất. Bên cạnh các lợi ích, còn có mặt trái đáng sợ của việc lợi dụng trí tuệ nhân tạo cho mục đích xấu, trong đó có việc giả khuôn mặt của một người nổi tiếng để làm phim khiêu dâm hoặc giả khuôn mặt của một chính khách để phát biểu những nội dung theo ý muốn. Vậy làm thế nào để phân biệt thật giả đối với những chuyện như vậy?

Mới chỉ cách đây vài năm, một bức ảnh có thể được coi là một bằng chứng miêu tả sự thật bằng hình ảnh, được sử dụng trong một số trường hợp ở tòa án. Tuy nhiên với những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, điều này bây giờ đã không còn đúng nữa. Hình ảnh con người được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo giống hệt với những gì chúng ta nhìn thấy ngoài đời thực. Điều này dấy lên những lo ngại vì công nghệ này có thể bị lạm dụng và khuôn mặt của một người có thể bị sử dụng với những mục đích không mong muốn, như phim ảnh khiêu dâm, theo Vision Times.

Thông thường, các mạng chống đối tạo sinh (Generative Adversarial Networks – GAN – một công nghệ trí tuệ nhân tạo) sẽ được sử dụng cho mục đích này. Họ sử dụng hai mạng trí tuệ nhân tạo cạnh tranh với nhau để tạo ra những bức ảnh giả mạo. Trong khi một mạng cố gắng tạo ra một bức ảnh giống như thật (càng thật càng tốt!!!), thì mạng còn lại cố gắng phân biệt giữa ảnh thật và ảnh giả (vì quá giống nhau!!!).

5 cách nhận diện ảnh mặt người tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
(Ảnh: Facebook Research)

May mắn thay, GAN cũng tồn tại những hạn chế của mình. Theo Technological Review, GAN cần rất nhiều sức mạnh tính toán và những khối dữ liệu được thu hẹp phạm vi trước khi có thể cho ra những kết quả thực sự đáng tin cậy.

Ví dụ để sản xuất ra một hình ảnh giống thật của một con ếch, một mạng như vậy cần hàng trăm hình ảnh của một loài ếch cụ thể, nhất là mặt con ếch phải cùng hướng về một phía. Nếu không có đầy đủ những dữ liệu cụ thể đó, kết quả nhận được trông sẽ rất kỳ quặc.

Mặc dù vậy, vẫn sẽ có những lúc chúng ta thực sự bị bối rối vì không biết hình ảnh một người mình đang nhìn là thật hay giả. Dưới đây là 5 cách giúp bạn nhận diện những hình ảnh được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo AI.

Sự nhất quán của tóc

Cách nhận diện đầu tiên đối với ảnh của một người được tạo ra bởi AI là tóc. Trong mọi trường hợp, tóc sẽ trông thẳng tăm tắp, trông như được sơn. Nếu tóc quá rối, với một vài lọn tóc ngẫu nhiên quanh vai hoặc những sợi tóc dày trước trán, đó cũng là dấu hiệu của một bức ảnh bắt nguồn từ trí tuệ nhân tạo. Các chương trình như GAN sẽ bó tóc thành từng đám, tạo ra sự không nhất quán, biến dạng và có thể phân biệt được bằng mắt thường nếu có kỹ năng.

5 cách nhận diện ảnh mặt người tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Tóc là thứ khó tạo ra giống thật nhất đối với trí tuệ nhân tạo. (Ảnh chụp/ Youtube).

Các dòng chữ

Nếu ảnh có nội dung chữ ở phần phông nền, vậy hãy nhìn kỹ hơn vào nó. Một số chương trình trí tuệ nhân tạo gặp khó khăn trong việc tạo ra các ký tự. Vì nội dung chữ có rất nhiều cấu trúc và thường chỉ viết theo một hướng, nên các chương trình trí tuệ nhân tạo gặp vấn đề trong việc làm cho nó trở nên như thật. Kết quả là các dòng chữ ở phông nền thường không đọc ra được. Các ảnh với dòng chữ như vậy là một dấu hiệu chắc chắn để biết được chúng là giả.

Hàm răng

Nếu một người trong ảnh để lộ phần răng, hãy kiểm tra bố cục của răng người đó. Các chương trình trí tuệ nhân tạo gặp khó khăn khi tái tạo các yếu tố bán lặp lại. Tức là, các răng có thể bị sai lệch trong một số trường hợp hoặc răng có vẻ quá khít hay co lại. Các vấn đề như vậy từng xuất hiện trong các phạm trù nhỏ như tổng hợp kết cấu, trong đó mục đích của người làm là tạo ra các bức ảnh các viên gạch, ngói và các thành phần lặp lại khác. Một số răng cũng có thể trông giống như các ô vuông pixel trên màn hình máy tính. 

5 cách nhận diện ảnh mặt người tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Bức ảnh có độ phân giải thấp, lộ rõ các ô vuông pixel của nhân vật Mario trên màn hình máy tính. (Ảnh: PicsArt)

Phông nền

Các chương trình AI dùng để tạo ra các bức ảnh khuôn mặt giống thật chỉ được lập trình để làm một điều duy nhất – tạo ra các khuôn mặt người có vẻ tin được là thật. Tất cả các chi tiết khác ngoài khuôn mặt chỉ được kiến tạo một cách tương đối mà thôi. Theo cách đó, nếu nhìn thật kỹ vào phần nền, chúng ta sẽ có thể dễ dàng phân biệt được ảnh giả với ảnh thật. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo có thể tái lập các kết cấu của phần phông nền, từ đó hình thành nên một mô thức chung mà người ta có thể dễ dàng xác định được là giả thông qua sự biến dạng hay các hình khối kỳ quái

Các dấu hiệu trên khuôn mặt

Trong một số bức ảnh được tạo ra bởi AI, hai mắt của một người có thể nhìn về hai hướng khác nhau, thậm chí còn có 2 màu khác. Lý do là vì chương trình AI không thực sự hiểu rằng hai mắt của một người phải là cùng màu hay khi chụp ảnh thì người ta sẽ tránh để hai mắt nhìn về hai hướng khác nhau. Ngay cả hai tai cũng có thể trông bất đối xứng, với mỗi tai khác nhau hoặc quá lớn hay quá nhỏ so với khuôn mặt.

5 cách nhận diện ảnh mặt người tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Trong một số ảnh tạo bởi trí tuệ nhân tạo, mắt của một người có thể nhìn về hai hướng và thậm chí có thể khác màu nhau. (Ảnh chụp/ Youtube).

 

Trí tuệ nhân tạo càng phát triển … sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với nhân loại?

Không chỉ là khả năng mô phỏng gần như giống hệt người thật trong các bức ảnh được tạo ra bởi AI, công nghệ trí tuệ nhân tạo còn làm được nhiều điều hơn thế. Sự phát triển đột phá của trí tuệ nhân tạo trong vài thập kỷ gần đây đã mang đến rất nhiều tiện ích cho con người. Nhiều sản phẩm công nghệ đột phá, như điện thoại thông minh, xe hơi tự động, nhà thông minh,…. đã giúp con người rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, giảm tải những công việc nhàm chán lặp đi lặp lại cho máy móc. Tuy nhiên đi cùng với đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Năm 2014, trong cuộc phỏng vấn với BBC, Stephen Hawking đã đưa ra những bình luận bày tỏ quan ngại về trí tuệ nhân tạo – AI:
“Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, khi thành công sẽ đặt dấu chấm hết cho loài người … Chúng sẽ tự mình vận hành, và tự nâng cấp bản thân tại một tốc độ nhanh khủng khiếp. Con người, vốn bị giới hạn bởi tốc độ phát triển sinh học chậm chạp, sẽ không thể cạnh tranh với robot và rốt cục sẽ bị thay thế”.

5 cách nhận diện ảnh mặt người tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Stephen Hawking, giáo sư Đại học Cambridge. (Ảnh: ACTU DIRECT)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Wired, giáo sư Hawking cho rằng rồi sẽ tới một ngày mà trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành “một dạng thức sự sống mới vượt qua loài người”.

“Tôi sợ là AI sẽ thay thế hoàn toàn con người. Nếu con người có thể tạo ra các loại virus máy tính, ai đó cũng có thể thiết kế một chương trình AI có khả năng tự nâng cấp và nhân bản chính nó. Đây sẽ là một dạng thức sự sống mới sẽ vượt trội loài người”, ông nói.

Elon Musk, tỷ phú công nghệ Mỹ, sáng lập hãng tàu vũ trụ SpaceX và hãng xe ô tô điện Tesla, cũng có những nhận định tương tự.

Trong bộ phim tài liệu “Do You Trust This Computer?” có sự tham gia của ông, Elon Musk cho rằng việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dẫn đến sự ra đời của một robot độc tài thống trị nhân loại vĩnh viễn. “Nếu một công ty hoặc nhóm người nhỏ phát triển thành công siêu trí tuệ, họ có thể thống trị thế giới”, Musk nhận định.

5 cách nhận diện ảnh mặt người tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo
Tỷ phú công nghệ Elon Musk. (Ảnh: Engadget)

“Ít nhất khi có một kẻ độc tài xấu xa, kẻ đó rồi cũng sẽ chết. Nhưng trí tuệ nhân tạo không chết, nó sẽ sống mãi. Khi đó bạn có một kẻ độc tài bất tử mà chúng ta không bao giờ thoát được”, ông nói thêm.

“Trí tuệ nhân tạo không cần phải độc ác thì mới hủy diệt nhân loại. Nếu trí tuệ nhân tạo đặt ra mục tiêu và con người tình cờ ngáng đường, nó sẽ tiêu diệt con người như điều tất nhiên mà không cần nghĩ ngợi hay cảm thấy khó khăn. Giống như khi chúng ta làm đường nhưng không may vướng tổ kiến. Chúng ta không ghét kiến mà chỉ đang làm đường, và đành loại bỏ chiếc tổ”, Musk giải thích.

Trước đó, Elon Musk từng nói rằng vũ khí tự động còn nguy hiểm hơn cả Bắc Triều Tiên, đây là “những thứ vũ khí kinh hoàng”. Ông thậm chí còn so sánh việc phát triển Ai với việc “triệu tập ma quỷ”, theo Washington Post.

Vào năm 2015, hơn 1.000 chuyên gia trong lĩnh vực AI đã ký một lá thư cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn của việc chạy đua vũ trang trong trí tuệ nhân tạo quân sự, đồng thời kêu gọi cấm các loại vũ khí tự hành. Bức thư được công bố tại Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo lần thứ 24 tại Buenos Aires (Argentina). Trong những người ký tên có GS Stephen Hawking, Elon Musk, đồng sáng lập hãng Apple Steve Wozniak, đồng sáng lập Google DeepMind Demis Hassabis, và nhiều người khác, theo Wikipedia. 

Lá thư được đưa ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu đồng ý việc khởi động các cuộc trao đổi chính thức về vấn đề vũ khí sát thương tự động, bao gồm xe tăng, thiết bị bay không người lái, và súng máy tự động. Các học giả lo ngại việc chạy đua phát triển vũ khí sát thương tự động có thể dẫn đến cuộc cách mạng vũ khí thứ ba, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. 

“Vũ khí sát thương tự động khi được phát triển sẽ khiến xung đột vũ trang diễn ra ở quy mô chưa từng thấy với tốc độ nhanh hơn con người có thể tưởng tượng”, trích nội dung thư. 

Không chỉ vậy, các lực lượng khủng bố có thể dùng loại vũ khí này để sát hại dân thường thông qua việc dùng hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị.

Quang Khánh & Thiện Tâm

Video: Trí tuệ nhân tạo – Nỗi lo sợ của tương lai?

videoinfo__video3.dkn.tv||4d9be9d01__