Ông không tiết lộ cho bất kỳ ai mục đích chân chính chuyến hành trình của mình. Cho tới ngày nay rất nhiều người vẫn không rõ động lực nào đã thúc đẩy ông dấn thân vào một chuyến hành trình đầy gian nan như vậy. Chỉ bản thân ông mới biết điều gì cần phải được làm …
Liệu có quá muộn để ông hoàn thành lời tiên tri Phật giáo bí ẩn?
Chân dung Nicholas Roerich. (Ảnh: Internet)
Nicholas Roerich là ai?
Người ta chủ yếu biết đến Nicholas Roerich với các bức tranh tuyệt đẹp và chuyến hành trình đầy gian nan, thử thách đến Tây Tạng.
Sinh ra ở thành phố St. Petersburg, Nga, Nicholas Konstantiniv Roerich (1847-1947) là một họa sĩ nổi tiếng thế giới, tác giả, nhà khảo cổ học, người theo chủ nghĩa nhân đạo và nhà hòa giải.
Roerich xuất thân từ một gia đình người Nga xuất chúng. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra hứng thú với việc khảo cổ và phiêu lưu. Khi lên 10, ông đã tự mình khai quật một vài mô đất cổ đại từ thời Viking, và trình các hiện vật thu được cho Hiệp hội Khảo cổ Nga.
Bức tranh Kanchendzonga vào năm 1944 của Nicholas Roerich. (Ảnh: Internet)
Thông qua người vợ, bà Helena Ivanovna (1879-1955), một nhạc sĩ tài ba và nhà trị liệu, Nicholas trở nên hứng thú với triết học Đông phương. Bà đã nghiên cứu văn tự tâm linh cổ đại của Ấn Độ và phương Đông trong nhiều năm.
Ông và vợ đã học các bài giảng của Đức Phật. Họ đều mong ước được thu thập thêm nhiều kiến thức và sự thông thái.
Họ đã đi khắp nơi trên thế giới, và tuy rằng đã ghé thăm nhiều quốc gia, nhưng vẫn luôn trực cảm rằng Ấn Độ là đích đến sau cùng của họ.
Cần vài năm trước khi họ có thể đến Ấn Độ, lúc đó là thuộc địa của Anh. Người Anh đang không ngừng đề cao cảnh giác trước sự xâm nhập tiềm tàng của thành viên Đảng Bolshevik ở Nga. Vì là người Nga nên gia đình Nicholas đã bị coi như cùng một phe với Bolshevik và bị từ chối nhập cảnh.
Sau khi rời Nga, gia đình Nicholas, bao gồm hai đứa con trai, đặt chân đầu tiên đến khu vực Bắc Âu Scandinavia. Từ đây họ tiếp tục cuộc hành trình đến nước Anh rồi sau đó cập bờ nước Mỹ ở bên kia Đại Tây Dương.
Roerich đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng, các bức tranh của ông đã được triển lãm ở 26 bang của nước này.
Nicholas Roerich và vợ tiến hành cuộc hành trình dài 4 năm ở vùng Trung Á
Ông cùng vợ đã đi khắp nước Mỹ. Hai ông bà gặp và trò chuyện với nhiều người rất thú vị và có tư duy cởi mở.
Năm 1924, họ rời New York để đến Châu Âu. Đây là điểm dừng chân cuối cùng trước khi họ tiến hành một cuộc hành trình đến vùng Trung Á.
Họ đi bộ, cưỡi lạc đà và ngựa. Đây không phải là một cuộc hành trình dễ dàng đối với họ, vì cả hai ông bà đều đã trên 50.
Dãy Altai. (Ảnh: Siberian Times)
Cần đến một ý chí bền bỉ và kiên cường để chống chọi với cái nóng khủng khiếp thậm chí ở mức nhiệt thấp nhất của sa mạc, và chinh phục những dãy núi cao nhất hành tinh.
Những người trẻ hơn hai ông bà không dám tham gia một chuyến hành trình như vậy, nhưng Nicholas và Helena lại tỏ ra rất cương quyết với ý định của họ.
Nicholas hy vọng ông có thể trở thành người phương Tây đầu tiên có cơ hội vẽ và ghi nhận vùng núi rộng lớn của Ấn Độ, Tây Tạng và khu vực Trung Á. Ông cũng muốn tìm kiếm kho tàng ẩn giấu dưới lớp cát sa mạc.
Rất nhiều người nghĩ Nicholas và vợ đã bắt đầu chuyến hành trình lâu dài tìm kiếm Shambala, vương quốc thất lạc huyền thoại. Điều này đúng, nhưng chỉ một phần …
Trên thực tế, Nicholas và Helena hy vọng họ có thể hoàn thành lời tiên tri nổi tiếng của Phật giáo …
Nicholas Roerich mong ước hoàn thành lời tiên tri của Phật giáo
Shambhala là một nơi rất đặc biệt. Shambhala là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là “nơi an lạc, tĩnh tại và hạnh phúc”.
Không ai biết địa điểm chính xác của nó ở đâu. Đây được coi là một địa điểm huyền bí vừa hữu hình vừa vô hình. Đây là nơi giao thoa giữa Trái Đất và thế giới cao hơn.
Theo hai cuốn kinh thư thần thánh nhất của Tây Tạng là Kanjur Tanjur, Shambhala là một vương quốc bí ẩn nằm đâu đó về phía bắc thành phố Bodh Gaya, hay Bồ Đề Đạo Tràng, một thánh địa Phật giáo do đây là nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề.
Người ta tin rằng Shambhala là một ốc đảo được bao phủ hoàn toàn bởi những dãy núi cao, phủ tuyết, lấp lánh ánh băng.
Một số lạt ma cho biết Shambhala có đỉnh trường kỳ ẩn khuất trong màn sương. Số khác tin rằng địa điểm bí mật này hữu hình nhưng quá xa xôi để bất cứ ai có thể tiếp cận đủ gần và chiêm ngưỡng nó.
Người ta đồn rằng những người từng thử tìm kiếm Shambhala đều một đi không trở lại. Không ai còn nhìn thấy hay nghe thấy tin tức gì về họ kể từ đó.
Một số phỏng đoán Shambhala trên thực tế là một cánh cổng cổ đại dẫn đến một thực thể khác. Liệu có khả năng Shambhala là một cánh cửa liên thông giữa các không-thời gian khác nhau? Điều này có thể giải thích tại sao những người từng tìm kiếm địa điểm này đều một đi không trở lại nữa … Họ có thể đã đi xuyên qua các cánh cổng vô hình liên kết thế giới chúng ta với các chiều không gian khác.
Nicholas Roerich lần đầu nghe đến địa danh Shambhala từ một lạt ma Phật giáo từng ghé thăm thành phố St. Petersburg vào năm 1912.
Trong cuốn Himalayas, Abode of Light (tạm dịch: “Dãy Himalaya, Nơi trú ngụ của Ánh sáng”) năm 1974 ông viết:
“Chính lúc xây dựng một ngôi chùa Phật giáo ở thủ đô nước Nga tôi mới lần đầu nghe thấy địa danh Shambhala này. Là một thành viên của ủy ban, tôi đã gặp một vị lạt ma từ Buryat, người đầu tiên nói ra cái tên Chang Shambhala.
Một ngày nào đó người ta sẽ biết được tại sao việc phát âm cái tên này trong hoàn cảnh đó lại có ý nghĩa to lớn đến vậy”.
Khi đang lang thang qua “những vùng đất xa xôi cách trở ít người lai vãng và đầy nguy hiểm của Châu Á trong vòng 4 năm”, Roerich đã ghi trong nhật ký chuyến hành trình của họ và cuộc tiếp xúc với các vị lạt ma.
Roerich đang tìm kiếm các dấu hiệu, cố gắng thu thập tất cả những gì có thể về Shambhala.
Tu viện trên dãy Himalaya. (Ảnh: Garry Weare)
Tại Lamayuru-Hemis ông bắt gặp một vị lạt ma Buryat. Vị lạt ma này bảo ông rằng tọa lạc tại trung tâm Agharti là một thành phố vĩ đại lộng lẫy tên gọi Shambhala. Đây là nơi vị “Vương của Thế giới” cư ngụ.
Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
“Có một vài cách tiến vào vùng đất cấm này”, vị lạt ma bí mật chia sẻ với Roerich. “Những ai được cho phép tiến vào sẽ được dẫn dắt thông qua một thông đạo ngầm dưới đất. Thông đạo này đôi lúc trở nên quá hẹp đến nỗi một người khó có thể lách qua. Tất cả lối vào đều được canh gác bởi các vị lạt ma”.
Roerich đã trò chuyện với vài vị lạt ma, và theo thời gian ông nhận ra rằng có một mối liên hệ giữa vùng đất Shambhala bí ẩn và một lời tiên tri trong Phật giáo.
Lời tiên tri này bao hàm Ban thiền Lạt ma (Panchen Lama), người đứng thứ hai sau Đạt lại Lạt ma ở Tây Tạng.
Theo lời tiên tri, vào một ngày Ban thiền Lạt ma sẽ rời Tây Tạng. Khi điều này xảy ra, một đạo quân hùng mạnh sẽ xuất hiện và diệt trừ thế lực hắc ám. Đất nước sẽ trải qua một thời kỳ hoàng kim và một nghìn năm bình an và hài hòa.
Tuy nhiên, để điều này xảy ra, Ban thiền Lạt ma phải mất trước.
Khi tái sinh, ngài sẽ mang tên gọi là Rigden Jypo, và đấng Maitreya (Phật Di Lặc), Vương của Shambhala.
Ngoài ra, khi vị thầy tâm linh của Roerich đề cập đến Shambhala, ông đã bảo Roerich kiến lập một quốc gia mới.
Vùng đất mới này sẽ là một quốc gia Phật giáo tại biên giới Mông Cổ, sa mạc Gobi và khu vực Siberia (thuộc Nga). Nó sẽ được cai quản bởi Ban thiền Lạt ma và Roerich.
Đường đến Kailas
Từ dãy núi tâm linh
(Ảnh: Tranh của Nicholas Roerich)
Gia đình Roerich không tiết lộ cho ai hai mục đích chủ yếu trong chuyến hành trình của họ. Mục tiêu của Roerich là chuẩn bị địa bàn để kiến lập quốc gia mới và tìm kiếm vị Ban thiền Lạt ma để chia sẻ kế hoạch với ông.
Ý tưởng này khá xa vời và việc hoàn thành kế hoạch là điều không tưởng. Toàn bộ vùng đất đã bị xâm chiếm bởi chính phủ nhiều quốc gia. Việc kiến lập một quốc gia mới tại đây sẽ là điều không thể.
Ngoài ra, trong cuộc hành trình dài bốn năm gia đình Roerich đã liên tục gặp phải các khó khăn về hộ chiếu và Visa. Trong nhật ký của họ, Helena Roerich kể rằng cả chồng cô và vị Ban thiền Lạt ma đã quá già để thực hiện việc này.
Giấc mơ của Nicholas Roerich là không thực tế, nhưng là một người dành cả đời tìm kiếm sự bình an, ông hy vọng lời tiên tri kia, lời tiên tri về sự xuất hiện của Rigden Jypo, đấng Maitreya (Phật Di Lặc), hay Vương của Shambhala, sẽ một ngày trở thành hiện thực.
Shambhala vẫn là một vương quốc được bao phủ trong tấm màn bí ẩn… Chúng ta vẫn chưa biết ý nghĩa thật sự của địa danh huyền thoại này…
Tác giả: Kerry Sullivan, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: