Nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30-40%, còn lại đang phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác.

Theo thông tin tại Hội thảo hợp tác của Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) ngày 13/7, diện tích trồng khoai tây của Việt Nam trong những năm gần đây đã giảm chỉ còn khoảng 1/6 so với 5 năm trước khi diện tích lên tới xấp xỉ 130.000 ha, theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

“Sáu tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao, nhưng vì sao khoai tây vẫn phải nhập khẩu,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Tại Việt Nam, diện tích khoai tây những năm qua dao động từ 16.700 – 19.700 ha, riêng năm 2017 đạt 19.700 ha. Năng suất khoai tây dao động từ 13,5-15,9 tạ/ha, sản lượng dao động từ 237.000 – 313.000 tấn.

Ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, khoai tây ở Việt Nam hiện chủ yếu phục vụ ăn tươi ở thị trường nội địa, xuất khẩu lượng nhỏ sang Indonesia. Từ tháng 6 – 9 hàng năm Việt Nam thường nhập khoai tây từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam, nhu cầu cho các nhà máy chế biến hiện khoảng 180.000 tấn khoai tây nguyên liệu/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30 – 40%, còn lại là phải nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích khoai tây vụ Đông ở nước ta rất có tiềm năng mở rộng, diện tích đất trồng khoai tây thích hợp, luân canh với 2 vụ lúa nước lên tới hàng trăm nghìn ha với năng suất 20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn.

Trong 5 năm tới (2018 – 2023), Việt Nam sẽ đưa diện tích đạt và ổn định quanh 30.000 ha, và 5 năm tiếp theo đưa diện tích khoai tây lên 35.000–40.000 ha.

Kiều Ngọc