Trong khi than từ Indonesia nhập khẩu về Việt Nam có giá chỉ 1,6 triệu đồng/tấn, than từ Trung Quốc có giá lên tới 8,2 triệu đồng/tấn (cao hơn 6,6 lần so với than Indonesia).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã tăng nhập khẩu dầu thô 544% về lượng và 670% về giá trị. Cùng với đó, lượng nhập khẩu than đá về Việt Nam cũng tăng 49% về lượng và hơn 71% về kim ngạch.
Như vậy, sau một thời gian dài ồ ạt xuất khẩu, hiện Việt Nam đã phải nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu này về nước.
Cụ thể, lượng dầu thô nhập khẩu 7 tháng qua về Việt Nam đạt 1,8 triệu tấn, cao gấp 6,5 lần so với con số 280.000 tấn của cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch nhập dầu thô đạt 890 triệu USD, nghĩa là giá nhập khẩu dầu thô bình quân đạt hơn 11,3 triệu đồng/tấn.
Mặt hàng thứ 2 ồ ạt nhập về Việt Nam trong thời gian qua là than đá. Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 11,9 triệu tấn với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, tăng 49% về lượng và 71,6% về kim ngạch.
Indonesia là nước có lượng than xuất vào Việt Nam lớn nhất trong các thị trường khi chiếm trên 6,38 triệu tấn, với kim ngạch 450 triệu USD.
Đáng chú ý, mức giá bình quân của than nhập vào Việt Nam đạt 2,6 triệu đồng/tấn, trong đó than nhập từ Indonesia chỉ 1,6 triệu đồng/tấn, nhưng than nhập từ Trung Quốc lại có giá lên tới 8,2 triệu đồng/tấn.
Ngoài việc tăng nhập các mặt hàng than đá và dầu thô, hiện Việt Nam cũng tăng nhập các loại quặng và khoáng sản về nước. Tính đến hết tháng 7, hơn 7,9 triệu tấn quặng được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam với kim ngạch hơn 662 triệu USD, tăng 90% cả về lượng và kim ngạch.
Có thể thấy, hàng hóa của Trung Quốc bán cho Việt Nam đang ở mức cao ngất ngưởng so với các thị trường khác và cao hơn nhiều so với lượng mà Việt Nam bán đi.
Chia sẻ trên Báo Đất Việt, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, cho biết thực trạng bán rẻ quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm nay.
Theo vị chuyên gia này, quan hệ kinh tế giữa các quốc gia là sòng phẳng, do đó Việt Nam không nên và không cần bán rẻ tài nguyên cho bất kỳ quốc gia nào.
“Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây”, GS. Lê Huy Bá nói.
Vỹ An