Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 5/3 xin gửi tới quý độc giả bản tin: ‘Loài Sao La quý hiếm thế giới được phát hiện tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng’.
Sao la – được các nhà khoa học mệnh danh là “Kỳ lân châu Á” đã lọt vào bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Ngày 4/3, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho hay nhóm nghiên cứu khoa học của Vườn vừa thu được hình ảnh một con vật nghi là Sao la, theo VTC News.
Qua quan sát các đặc điểm trên hình ảnh, PGS.TS Nguyễn Xuân Đặng (nguyên trưởng phòng động vật rừng của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật Việt Nam) khẳng định, hình ảnh thu được “90% là Sao la”.
Hiện nhóm nghiên cứu tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang thu thập thêm các bằng chứng khẳng định sự hiện diện của loài này và triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt ở khu vực phát hiện nhằm phòng tránh các hoạt động gây hại cho động vật rừng ở khu vực nói trên.
Trước đây, qua phỏng vấn người dân, thu thập mẫu đầu, sừng trong nhà một số người dân các xã vùng vùng đệm đã ghi nhận có loài Sao la tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là lần đầu tiên ảnh loài này được ghi nhận ngoài thực địa, theo Tiền Phong.
Hình ảnh gần đây nhất về loài thú bí ẩn này đã được ghi nhận thông qua hoạt động bẫy ảnh của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện tại khu vực Trung Trường Sơn vào năm 2013, theo báo Zing.
Cụ thể, tối ngày 7/9/2013, bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh một cá thể saola đang di chuyển dọc con suối một thung lũng tại một khu vực hẻo lánh của dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam.
“Khi lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Saola được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một “báu vật”, nên chúng tôi rất hạnh phúc. Đây là một khám phá nghẹt thở, một số người tin rằng Saola đã biến mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam, và ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự phục hồi quần thể của loài này”, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF – Việt Nam chia sẻ.
Sao la có tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis, là loài cực kỳ nguy cấp, quý hiếm trên thế giới, được các nhà khoa học mệnh danh “Kỳ lân châu Á”; sống chủ yếu gần nơi có suối ở độ cao 200 – 600 m trên mực nước biển dọc dãy Trường Sơn. Vào mùa đông, Sao la sẽ di cư xuống những vùng đất thấp hơn để tránh rét. Loài này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5/1992, trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp (cũ) và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Cũng trong năm 1992, các nhà khoa học phát hiện thêm 20 con Sao la. Sách Đỏ thế giới (IUCN) xếp Sao la vào bậc Cực kỳ nguy cấp (CR) |
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều may mắn và yêu thương!
Đại Kỷ Nguyên News