Các dòng xe nhập khẩu vào Việt Nam đang khởi sắc trở lại sau 6 tháng bị ngưng trệ bởi các quy định gắt gao được Chính phủ ban hành vào đầu năm 2018.  

Nhật báo Nikkei cho biết, vào đầu tháng 7, hãng xe Toyota đã xuất khẩu hàng trăm chiếc xe Hilux và Hiace sản xuất tại Thái Lan và xe Fortuner sản xuất tại Indonesia đến Việt Nam.

Trong khi đó, hãng Mitsubishi tiếp tục xuất khẩu xe bán tải Triton và các loại xe khác vào cuối tháng 6 và đã vận chuyển khoảng 1.100 chiếc tới Việt Nam trong ngày 6/7.

Hãng xe Ford của Mỹ cũng cho biết họ đã xuất khẩu xe sang Việt Nam và Mazda cũng đang chuẩn bị làm như vậy.

Theo Nghị định 116 của Chính phủ Việt Nam, có hiệu lực vào ngày 1/1/2018, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu ô tô vào Việt Nam từ năm 2018 phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô (VTA) cùng những điều kiện khác về kiểm tra khí thải, chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.

Chính điều này đã khiến một số mẫu xe lắp ráp tại Indonesia như Toyota Fortuner không thể xuất khẩu sang Việt Nam, do doanh nghiệp nhập khẩu không xin được VTA. Nhu cầu tăng cao khiến Fortuner liên tục rơi vào cảnh khan hàng, đội giá bán trong nửa đầu năm 2018.

Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một số quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017 và Nghị định 140/2016 về Lệ phí trước bạ hiện khiến “thị trường ô tô Việt Nam bất ổn”.

Dẫn dữ liệu của VAMA, ông cho biết hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ô tô ở Việt Nam giảm 31% kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực ngày 1/1.

Ông Toru Kinoshita cũng cho biết Nghị định 116 gần như đã làm ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu từ các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu… trong nửa đầu năm 2018. Hàng loạt đơn hàng xe nhập cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy.

“Việc hủy đơn hàng đe dọa tới hàng nghìn việc làm, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe. Khách hàng buộc phải chờ đợi lâu hơn để có xe do thiếu nguồn cung từ đầu năm. Bất ổn này xảy ra với cả doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp trong nước”, ông Kinoshita nói thêm.

Để cởi bỏ nút thắt này, chính phủ Thái Lan và Indonesia đã cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho các dòng xe xuất khẩu sang Việt Nam vào hồi tháng 3/2018. Với sự điều chỉnh này, Toyota dự kiến ​​xe của hãng được sản xuất tại Thái Lan và Indonesia sẽ đến các đại lý Việt Nam trong tháng 8.

Sự phục hồi của một số dòng xe nhập khẩu có thể sẽ giúp thị trường ô tô Việt Nam quay trở lại mức cân bằng, nhưng các lô hàng từ các nước như Nhật Bản vẫn bị tạm ngưng vì không xin được giấy cấp phép từ các cơ quan chức năng.

Việt Nam là thị trường ô tô lớn thứ 5 ở Đông Nam Á, với khoảng 270.000 xe mới được bán ra trong năm 2017. Xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chiếm gần 30% tổng số.

Theo Tổ chức các nhà sản xuất ô tô quốc tế, tốc độ tăng trưởng trong thị trường ô tô tại Việt Nam rất đáng kỳ vọng khi cứ 1.000 người mới chỉ có 23 chiếc ô tô trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với 439 chiếc ở Malaysia, 228 chiếc ở Thái Lan và 145 chiếc ở Singapore.

Mặc dù đã hạ thấp các rào cản thương mại khi theo đuổi các hiệp định thương mại tự do, tham gia vào Hiệp hội đối tác xuyên Thái Bình Dương và hội nhập kinh tế với các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam vẫn bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Các nhà sản xuất ô tô và các nước láng giềng xem quy định của Việt Nam như là một rào cản thương mại phi thuế quan được tạo để hạn chế nhập khẩu sau khi ASEAN loại bỏ thuế tự động trong khối vào tháng 1 năm nay.

“Quy định yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng nên được bãi bỏ”, Chủ tịch Toyota Motor tại Việt Nam Toru Kinoshita nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công trong phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp tại Hà Nội ngày 4/7 cho rằng Nghị định 116 là cần thiết cho cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Việt Nam chỉ sản xuất được 190.000 chiếc xe trong một năm, bằng 10% sản lượng của Thái Lan, và hầu hết các linh kiện đều phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Có rất ít công ty Việt Nam bước vào ngành công nghiệp ô tô ngoại trừ Vingroup đã có nhà máy của riêng mình.

Một chiếc ô tô thường đòi hỏi khoảng 30.000 bộ phận để lắp ráp. Các ngành công nghiệp phụ kiện như đúc, chế biến kim loại, nhựa và các thành phần khác sẽ phát triển nếu sản xuất ô tô trong nước phát triển. Phát triển trong công nghệ sản xuất linh kiện ô tô cũng có thể giúp cải thiện toàn bộ ngành sản xuất của Việt Nam.

Ngành xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay là điện thoại di động. Nhưng một chiếc điện thoại thông minh chỉ cần khoảng 1.000 linh kiện, có nhiều hạn chế về lợi ích kinh tế so với xe ô tô.

Chính phủ Việt Nam cũng đang lo ngại về sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh khi nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt.

Kiều Ngọc