Ròng rã hơn 10 năm dìu dắt học sinh mà không hề thu phí, ước mơ của anh Nhật chỉ đơn giản rằng một ngày nào đó sẽ mua được đôi chân robot bằng chính số tiền từ hoạt động kinh doanh của mình.

Trong khuôn viên chật hẹp, với mấy bộ bàn ghế đơn sơ được kê ở hiên nhà, anh Nguyễn Minh Nhật (thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang) kể với Báo Nông Nghiệp Việt Nam câu chuyện cuộc đời mình.

Vốn là con út trong gia đình có 4 anh em, học xong Đại học Mỏ địa chất, anh đi làm rồi học tiếp lên thạc sĩ. Bất ngờ, tai nạn giao thông ập đến năm 2005 khiến anh bị chấn thương cột sống. Sau 8 tháng điều trị với nhiều lần chuyển viện, 2 lần cận kề cái chết, cuối cùng Nhật cũng về nhà với cái túi đựng nước tiểu kè kè bên bụng, cái ống của máy trợ thở, máy hút đờm trên cổ.

Không cử động được và thường xuyên bị cơn đau hành hạ, anh Nhật tử tử nhưng không thành. Nghĩ đến bố mẹ, Nhật tự nhủ phải cắn răng mà sống. Nhờ bố làm cho một bộ dụng cụ tập thể dục, anh Nhật miệt mài tập luyện 8 tiếng/ngày.

Năm 2006, khi bàn tay hơi cử động được, anh nhận dạy kèm cho đứa cháu ruột. Dần dà, lũ trẻ trong nhà được anh nhận kèm các môn Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh. Thời gian thấm thoát trôi qua, đứa bị hổng kiến thức nặng nhất nay đạt học sinh giỏi cấp trường, đứa khác thì được học sinh giỏi cấp huyện, đặc biệt hơn là giải nhất tỉnh và giải nhì quốc gia môn tiếng Anh.

Tiếng lành đồn xa, những gia đình trong làng, ngoài xã đem con đến gửi anh Nhật dạy mỗi lúc một đông. Vì sức khỏe yếu nên mỗi lớp anh chỉ nhận 5-7 học sinh. Có những lúc anh hì hụi với cái ròng rọc để tập thể dục còn trò thì bò quanh sân lấy phấn làm phép tính theo hướng dẫn của thầy. Bằng cách đó, hơn 10 năm nay có khoảng 60-70 học sinh được anh Nhật dạy miễn phí. Một nửa trong số đó đạt từ học sinh giỏi cấp huyện trở lên.

Tấm lòng của người thầy khuyết tật hằng ước mơ có đôi chân robot
Lớp học của anh thật đặc biệt, ở đó học sinh chưa một lần được nhìn thấy nét chữ hay dáng đi của người thầy, mọi hoạt động giảng dạy đều qua những mô tả bằng lời. (Ảnh: Otofun)

Năm 2008, anh Nhật tìm cách kiếm tiền. Công việc đầu tiên anh tìm được là bán vé máy bay, nhưng hồi ấy khoản nợ của gia đình còn hơn 200 triệu, lấy đâu ra vốn!?Thế là anh Nhật quyết định lập nghiệp bằng cách “lấy mỡ nó rán nó”. Anh in áp phích quảng cáo rồi nhờ bố đem treo ở các xã, thị trấn trong huyện. Sau 1 tháng, khách hàng đầu tiên tìm đến. Bán 1 vé, anh Nhật dùng tiền đó trả gốc và lãi khoảng 50.000đ.

Không chỉ quanh quẩn ở các xã gần nhà, anh còn nhờ người em họ dán quảng cáo ở Bình Dương để đón luồng khách gốc Bắc về quê ăn Tết. Nhờ đó, doanh thu của đại lý vé máy bay đặc biệt này khoảng 300-400 triệu đồng/tháng, thậm chí vào những tháng hè hay Lễ, Tết lên tới 500-600 triệu, cho mức lãi từ 4-10 triệu.

Tấm lòng của người thầy khuyết tật hằng ước mơ có đôi chân robot
Cứ thế anh tìm thêm khách theo phương châm giá rẻ, trung thực và nhiệt tình. (Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
Tấm lòng của người thầy khuyết tật hằng ước mơ có đôi chân robot
Anh Nhật thường xuyên cập nhật vế máy bay giá rẻ để phục vụ người dân. (Ảnh: Otofun)

Đang kinh doanh vé máy bay, một người bạn nhờ Nhật quảng cáo bán tóc trên mạng và từ đó anh có thêm nghề mới. Nghề buôn tóc của làng Cầu xã Đoan Bái được mở rộng với những đơn hàng từ Nga, Nam Phi, Hàn Quốc… Người làng giờ đây đã quen với cảnh những “ông tây, bà đầm” tìm đến nhà anh Nhật đặt hàng, suýt soa với lọn tóc dài 1,2 m, có giá tới 17 triệu đồng/kg.

Tấm lòng của người thầy khuyết tật hằng ước mơ có đôi chân robot
Trang blog song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) với châm ngôn: “Tôi chia sẻ là tôi tồn tại” là nơi anh kinh doanh, chia sẻ nỗi niềm. (Ảnh chụp màn hình)

Hiện, ước mơ của anh Nhật chỉ đơn giản rằng một ngày nào đó, anh sẽ có được khung xương hỗ trợ, giúp người tật nguyền có thể đi lại. Anh đã tích lũy được 10.000 USD và còn 6.000 USD nữa thôi anh sẽ có thể tự vận động sau nhiều năm gắn mình trên chiếc xe lăn.

Tấm lòng của người thầy khuyết tật hằng ước mơ có đôi chân robot
Bố anh Nhật – một cựu chiến binh chia sẻ với Otofun, nhìn đứa con đang phơi phới tương lai bỗng bị tật nguyền ông không thể nói lên lời. Với ông đó là một trận chiến mà chưa cần đấu súng đã biết mười mươi rằng sẽ thua! (Ảnh: Otofun)
Tấm lòng của người thầy khuyết tật hằng ước mơ có đôi chân robot
Nhìn con đau đớn mỗi khi trở trời, mẹ anh không khỏi xót xa. Mỗi lần như vậy, anh Nhật đều nhắn nhủ với mẹ rằng: “Dù dài hay ngắn cũng là một cuộc đời, phải làm sao cho có ích. Quan trọng nhất phải là người tốt chứ không phải là làm ông nọ, bà kia”. (Ảnh: Otofun)

Huyền Hương