Ông ngoại đặt tên em là Thường chỉ với hy vọng cháu gái bình thường, không bị tâm thần giống mẹ. Nhưng bằng sự yêu thương, đùm bọc của những tấm lòng cao cả và nỗ lực của bản thân, em đã vượt qua bao khó khăn để đạt được những kết quả học tập đáng tự hào trên hành trình phi thường của mình.

Tuổi thơ dường như quá khó khăn với cô gái nhỏ Nguyễn Thị Thường. Vượt qua những thử thách ấy, em đã cố gắng học tập để đạt được ước mơ, mang lại hạnh phúc cho những “phụ nữ bất hạnh” trong ngôi nhà thiếu thốn vật chất nhưng đong đầy tình yêu thương. Câu chuyện về em được chia sẻ trên báo Vnexpress đã khiến biết bao người xúc động, khâm phục một cô bé giỏi giang, giàu nghị lực.

Em chào đời năm 2002 trong một gia đình chỉ có ba phụ nữ. Tuy nhà có ba người, nhưng mẹ em và một bác bị tâm thần, chỉ bác cả Nguyễn Khánh Linh là tỉnh táo, bình thường. Em lên bằng sự yêu thương đùm bọc của người bác trong ngôi nhà rộng 20 m2, không có cả phòng vệ sinh.  

Khi mang thai Thường, nhà nghèo chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường gỗ cũ tróc sơn. Hàng xóm có nói: “Thân nó còn chẳng nuôi nổi nữa là thêm đứa trẻ”, bác cả đưa em gái lên trạm xá với ý định bỏ cái thai. Tại đây, gặp người họ hàng khuyên: “Nhà nhiều người tâm thần, cố giữ đứa trẻ sau này còn đỡ đần lúc tuổi già”. Bà Linh lại vuốt nước mắt, quay xe đưa em về.

Thường chào đời, tên được ông ngoại đặt với mong muốn lớn lên cháu bình thường, không thần kinh giống mẹ. Mẹ đẻ suốt ngày lang thang, không biết chăm con, mọi việc ăn ngủ, tắm giặt của đứa trẻ đều do bà Linh đảm nhận. Lớn lên với ba người phụ nữ, Thường gọi tất cả là mẹ.

Để nuôi cháu và hai đứa em thần kinh, bà Linh ngày chỉ dám ngủ 3-4 tiếng. Ngoài 7 sào ruộng, bà đi cuốc mướn thuê, trồng thêm rau cỏ. Mỗi lần thiếu tiền mua sữa, bà lại vay mượn người quen, quyết không để cháu thiếu đói.

Nhiều cái Tết, gia đình không có gạo nếp và thịt để gói bánh chưng. Thương cháu, bà Linh đi gói bánh thuê, lấy công là cặp bánh về cho cả nhà ăn Tết.  

“Tết đến cả nhà quây quần ăn bánh chưng bác mang về. Các mẹ cùng cười, cùng chia nhau chiếc bánh, với em đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất”, Thường hồi tưởng.

Hàng ngày, bà Linh dậy từ 1-2 giờ sáng ra đồng hái rau cho kịp phiên chợ sớm. Nhiều lúc em gái đi lang thang, không dám để cháu ở nhà một mình giữa đêm khuya, bà cho Thường đi cùng. Bác dưới ruộng, cháu trên bờ ríu rít trò chuyện. Chuyện chán, Thường ngủ thiếp trên bờ đê đến khi được đánh thức dậy với gánh rau to quằn mình trên vai bác.

Năm Thường 4 tuổi, thấy những tờ giấy mời họp của bác để trên bàn, cô bé lôi ra tô theo chữ trong giấy.

Thấy cháu thích viết, bà Linh thử dạy chữ. Thường học nhanh, sau vài buổi đã thuộc, đọc vanh vách. “Mừng quá mày không giống mẹ, cháu ạ”, bà reo lên vui sướng. Từ ngày đó, những cánh cửa gỗ sần, cũ kỹ quanh nhà được Thường tận dụng làm bảng học cho riêng mình. Viết vẽ cô bé đều thể hiện lên đó.

Thấy cháu ham học, mỗi ngày đi bán rau, bà Linh đều chi một khoản mua sách. Nghỉ hè theo chân bác lên chợ, cô bé chỉ thích đến cửa hàng sách to nhất huyện đọc ké. Biết hoàn cảnh gia đình, chủ hàng ít khi đuổi. Dù nhỏ tuổi nhưng Thường không đọc truyện tranh, cổ tích như các bạn mà chọn những cuốn trong bộ sách hạt giống tâm hồn hay cách sống đẹp.

Năm lớp 6, từ một khúc mắc với người bạn, cô bé bị mắng “Đồ không có bố”. Thường bắt đầu cảm nhận sự khác biệt giữa mình và các bạn. Sau 2 đêm khóc ướt gối, sang ngày thứ 3, ngủ dậy thấy bác vẫn còng lưng bó rau, mồ hôi nhỏ xuống thành dòng, cô bé đứng thẳng dậy, vẽ một mặt cười và dòng chữ “Hãy cười lên” trên cánh tủ – nơi có nhiều ánh sáng nhất trong nhà.

Từ lúc đó, cô bé không bao giờ khóc khi ai đó nói những câu tương tự.

Năm lớp 7, Thường được Tổ chức Khát Vọng được giúp đỡ về vật chất và tham gia hội trại dành cho trẻ cùng hoàn cảnh. 

Một lần biết đến câu chuyện một bạn mồ côi cha mẹ, phải đi bán vé số, Thường tự nhủ: “Mình may mắn hơn bạn vì vẫn có người yêu thương”. Từ ngày đó, từ một cô bé ít chia sẻ cảm xúc, Thường tham gia nhiều hoạt động trên trường như hội diễn văn nghệ, câu lạc bộ sách, cuộc thi hùng biện, thường xuyên viết và đăng các bài cảm nhận sách lên trang cá nhân của mình.

Nhà nghèo không có tiền đi học thêm nên Thường tự học. Nhiều thầy cô thấy vậy đã nhận dạy miễn phí cho em. Thường 9 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện, 3 lần đạt giải trong kỳ thi giải Toán qua Internet. Lớp 9 Thường là Học sinh Giỏi cấp huyện môn Lịch sử, các môn khoa học, Ngữ văn…, giải Nhì cấp thành phố môn Ngữ văn.

Em thường tự học, tra cứu từ sách vở và từ các nguồn khác nhau. Năm lớp 10, Tổ chức Khát Vọng tặng em chiếc máy tính cũ. Nhà không có internet, Thường kê bàn ra cổng bắt wifi nhờ hàng xóm để học. Dù ban đêm muỗi đốt, ban ngày nắng nóng, nhưng hiếm khi cô bé nghỉ học.

Không chỉ đảm bảo điểm số và thành tích tại trường, Thường cũng tự lên mạng học tiếng Anh, tập thuyết trình và luyện phát âm. “Ở cô bé này luôn có sự thôi thúc vươn lên mạnh mẽ tiềm ẩn dưới vẻ dễ thương, nhí nhảnh, hòa ái của một cô bé sinh ra từ nông thôn”, cô Vũ Thị Dung – người sáng lập Tổ chức Khát Vọng nhận xét.

Lên lớp 11, Thường tham gia cuộc tranh biện tại trường với chủ đề “Phụ nữ có nên phá thai không?”.

“Em nghĩ đến bản thân mình, nếu bác không cho cơ hội sống thì em đã không có mặt ở đây ngày hôm nay”, Thường nêu lý do tham gia. Kết quả, cô bé giành giải nhì.

Một năm trước, Thường biết tới Đại học Fulbright Việt Nam. Cô gái 18 tuổi đã quay lại quá trình tự gói bánh chưng và kể lại câu chuyện cuộc đời gắn liền với chiếc bánh bác làm bằng tiếng Anh, gửi đến hội đồng tuyển sinh. “Chiếc bánh này có ý nghĩa rất lớn vì nó gói ghém tình yêu và sự hy sinh của bác – người mẹ thứ hai của tôi – trong đó”, Thường diễn giải.

Đầu tháng 6/2020, biết tin cháu gái nhận được hỗ trợ tài chính trị giá 2,2 tỷ đồng trong 4 năm đại học, bà Linh chạy khắp xóm khoe: “Cái Thường được học trường Tây”, trong khi mẹ đẻ nở nụ cười ngờ nghệch.

Dưới cái nắng oi ả tháng 7, Thường mở chiếc hộp đựng giấy báo đỗ đại học lấy chiếc huy hiệu của nhà trường lau đi lau lại sạch bóng. Trong bốn năm tới, cô gái 18 tuổi quyết định chọn ngành tâm lý để trở thành nhà xã hội học, tốt nghiệp sẽ trở về quỹ Khát Vọng giúp đỡ những trẻ bất hạnh khác.

“Giờ em có thể tự tin đứng trước bác và mọi người nói rằng, quyết định giữ lại em 18 năm trước là một việc làm đúng đắn”, Thường nói, khóe mắt ánh lên niềm tự hào.

Khởi nguồn từ việc thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP, nay là Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright) của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard. Hoạt động dựa trên nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, FETP đã xác lập được uy tín của mình như một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu chính sách công xuất sắc tại Việt Nam. Năm 2014, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua khoản ngân sách sáng lập một trường đại học Việt Nam theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ. Năm 2016 Trường đại học Fulbright Việt Nam (tiếng Anh: Fulbright University Vietnam) được chính thức thành lập. Đây là một trường đại học tư thục, độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận.

Video: 26 thiếu niên từ 15 quốc gia đạp xe và nói về bí mật của chính quyền Trung Quốc

videoinfo__video3.dkn.tv||2eaeb70d4__