Vài tháng trở lại đây, tại một làng khô cá sặc bổi ở tỉnh An Giang rộ lên việc thương lái thu mua vảy cá sặc với giá từ 1.200-2.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV báo VnExpress, bà Nguyễn Thị Hường – chủ cơ sở chế biến khô ở xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang), cho biết hiện mỗi ngày nhà bà chế biến khoảng 10 tấn cá sặc bổi để làm khô. Lượng vảy thải ra khoảng 600 kg.
Thay vì bỏ đi lượng vảy thải này, những ngày gần đây có thương lái tới thu mua toàn bộ. Nhiều hộ khác ở xã Khánh An cũng bán vảy cả cho các thương lái với giá 1.200-2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi được hỏi có biết thương lái thu mua vảy cá chở đi đâu và làm gì thì hầu hết mọi người tại xã Khánh An đều không biết.
Chị Lê Thị Kiến chia sẻ trên báo CAND, nhiều người đồn thương lái mua vảy cá mang về lót ổ cho cá sấu đẻ, làm dược liệu, phân bón… nhưng không biết đâu mới là sự thật. Tuy nhiên, khi thấy vảy cá hút hàng nhiều người quen của chị cũng đứng ra thu gom.
Xác nhận vấn đề này, ông Cao Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho hay tình trạng thu mua vảy cá mới xuất hiện trong thời gian gần đây, còn trước kia họ chỉ tới thu mua đầu và ruột về để chế biến thức ăn.
Trong khi đó, một cán bộ tại địa phương này bày tỏ nếu vảy cá được mua về phục vụ cho việc sản xuất phân bón, hay tận dụng vào chăn nuôi thì đây là một chuyện mừng, vì bà con vừa có thêm thu nhập, vừa giảm tải ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bà con cũng cần tìm hiểu kỹ sự việc, lắng nghe hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan chức năng để tránh việc đầu cơ, sau đó thương lái biến mất thì “tiền mất, tật mang”.
Trên thực tế, tình trạng thương lái thu mua những mặt hàng “độc lạ”, tưởng chừng như là phế phẩm đã diễn ra rất nhiều trong thời gian vừa qua. Gần đây nhất là việc thương lái ở Bến Tre thu mua lúa non với giá cao bằng hoặc hơn lúa đã được thu hoạch khiến nhiều người tò mò và lo lắng.
Hay trước đó, việc nhiều người dân ở các huyện Duy Xuyên và Thăng Bình (Quảng Nam) đổ xô đi chặt cây dó liệt để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc với giá cao ngất ngưởng cũng khiến dư luận xôn xao.
(Tổng hợp)