Giá mít Thái siêu sớm tăng cao kỷ lục trước và sau Tết giúp nhiều nhà vườn ở Vĩnh Long, Hậu Giang… “hốt bạc”. Người dân trong vùng đang đổ xô trồng loại cây này.
Chưa bao giờ mít Thái siêu sớm được giá như năm nay. Cách đây 3 tháng, thương lái vào tận vườn thu mua mít loại I với mức giá từ 45.000-50.000 đồng/kg, mít loại II giá hơn 40.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ trên VOV, ông Khiêm ở huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho biết gia đình ông có 3.000 mét vuông trồng mít Thái. Năm trước giá mít chỉ hơn 10.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán, mỗi kg mít Thái có giá lên đến 40.000-50.000 đồng, giúp nhiều nhà vườn bội thu.
Cây mít Thái dễ trồng, dễ cho trái (thời gian thu ngắn, chỉ 1 năm rưỡi là được), năm nay lại lên giá cao kỷ lục nên nông dân Hậu Giang đổ xô trồng mít. Nhiều nhà vườn phá bỏ vườn cây đang cho trái để chạy tìm mua giống mít Thái siêu sớm về trồng.
Thực trạng này dẫn tới giá cây giống cũng tăng nhanh, hiện có mức hơn 30.000 đồng/cây, tăng gấp hơn 3 lần trước đây, nhưng nguồn cung cũng rất khan hiếm.
Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có hơn 1.500 ha mít Thái siêu sớm, tăng hàng trăm ha so với năm trước, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và Phụng Hiệp. Dự báo, sắp tới diện tích mít Thái siêu sớm sẽ còn tiếp tục tăng do bà con đua nhau phá vườn trồng mít.
Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, người dân cũng đang rầm rộ trồng mít Thái siêu sớm thay cây trồng khác. Thậm chí, nông dân từ huyện Cai Lậy qua Cái Bè còn thuê đất trồng mít.
Chia sẻ trên Dân Việt, ông Vô (xã Tân Phong) cho biết thấy giá mít Thái đang lên cao chót vót, ông liền đốn ngay vườn nhãn trồng hơn 100 cây mít Thái siêu sớm.
“Trồng mít Thái không tốn nhiều công sức chăm sóc, phân thuốc, có trái quanh năm, lại được giá, vậy ngại gì không trồng”, ông Vô nói.
Tuy nhiên, thực tế giá mít Thái không ổn định, chỉ giữ giá cao kỷ lục được hơn 3 tháng, và khoảng hơn 1 tháng nay giá loại trái cây này đã giảm một nửa.
Người lao động dẫn lời anh Hậu, một chủ cơ sở thu mua mít Thái siêu sớm tại thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cho biết phần lớn thương lái gom mít ở các điểm thu mua tại Đồng bằng sông Cửu Long để xuất sang Trung Quốc. Hiện mít Thái vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung quá nhiều nên giá giảm nhanh, xuống còn 20.000 đồng/kg.
Đó là chưa kể việc người dân đua nhau mở rộng diện tích trồng mít Thái không có định hướng như hiện nay chắc chắn trong tương lai gần cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá rẻ và hàng loạt hệ lụy khác.
Thực tế, chuyện nông dân ồ ạt trồng trái cây đang gây sốt để rồi nhanh chóng nếm trái đắng không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam. Đơn cử như năm 2015, giá cam sành có thời điểm lên hơn 40.000 đồng/kg. Nhiều nông dân ở Hậu Giang, Vĩnh Long… khi đó đã bỏ lúa để lấy đất trồng cam, dẫn đến tình trạng diện tích cam sành tăng nhanh chóng. Song, chỉ được một thời gian, giá thu mua cam sành loại 1 tại vườn giảm mạnh chỉ còn từ 12.000-15.000 đồng/kg.
Theo ông Lon (huyện Châu Thành, Hậu Giang), khi giá cam sành tăng mạnh, ông lập tức chuyển 1 ha trồng lúa sang trồng cam sành. Tuy nhiên, ông chỉ làm được mấy vụ thì cam rớt giá thảm hại. Đến nay, nông dân này vẫn chưa thu hồi được vốn đã bỏ ra.
Nguyễn Trang