Theo CNN, những con số kinh tế mà Liên minh châu Âu (EU) đạt được vào năm 2017 sẽ là thành tích tốt nhất của khu vực này trong nhiều thập kỷ qua và sẽ chưa thể lặp lại trong thời gian gần.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2018 khi châu Âu phải vật lộn với các rào cản thương mại mới, sự không chắc chắn về Brexit và niềm tin vào đồng Euro lung lay.
Chuyên gia kinh tế Florian Hense tại ngân hàng Berenberg cho biết: “Rủi ro tăng cao xuất phát phần lớn từ khủng hoảng của các nước thành viên trong khối”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ước tính tăng trưởng chung trong khu vực đồng Euro sẽ giảm xuống còn 2% trong năm 2018, thấp hơn mức 2,5% của năm trước. Vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng của châu Âu đã vượt xa Mỹ nhưng hiện tại đang tụt lại phía sau.
Kết quả cuộc khảo sát của tổ chức IHS Markit cho thấy nền kinh tế của EU sẽ tăng trưởng chậm nhất trong tháng 10/2018 (kể từ năm 2016). Yếu tố xung đột thương mại toàn cầu đã khiến hàng xuất khẩu của châu Âu bị đình trệ nhiều hơn.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là triển vọng tăng trưởng trong lương lai của khu vực EU cũng ở mức thấp nhất trong 4 năm.
Một thông báo của ECB ngày 25/10 nói rằng các con số kinh tế không đủ ảm đạm để ngân hàng này phải xem xét lại kế hoạch chấm dứt chương trình kích thích kinh tế khổng lồ vào tháng 12 tới.
Chiến tranh thương mại
Mỹ đã áp thuế 25% vào thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ châu Âu kể từ tháng 6/2018. Hơn nữa, các doanh nghiệp châu Âu cũng bị “dính đạn” trong xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Quốc gia đang vướng vào rắc rối lớn nhất là Đức – một cường quốc xuất khẩu đã chứng kiến sự sụt giảm trong những tháng gần đây. Các đơn đặt hàng từ nước ngoài đã giảm mạnh và ngành công nghiệp ô tô cũng thể hiện sự yếu kém.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 xuống còn 1,8%, so với ước tính trước đó là 2,7%.
Các nhà sản xuất ô tô của Đức đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng thương mại toàn cầu và vụ bê bối dầu diesel.
Lợi nhuận của hãng xe BMW đã sụt giảm mạnh trong quý III/2018 và công ty này cho rằng nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại.
Brexit “nhập nhằng”
Anh dự kiến sẽ rời EU vào tháng 3/2019, nhưng các doanh nghiệp tại khu vực EU và Anh vẫn còn đang mơ hồ về khả năng làm ăn của họ trong tương lai. Họ lo ngại rằng Anh có thể rời EU mà không có thỏa thuận nào để giữ London ở lại tạm thời trong thị trường chung và thuế quan chung của khối.
Hàng loạt tổ chức tài chính thế giới rời khỏi Anh vì cho rằng họ sẽ không thể tiếp cận với thị trường 500 triệu dân ở các nước EU. Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cảnh báo về hậu quả thảm khốc cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là xe hơi.
“Ngành công nghiệp xe hơi tại Anh có nguy cơ biến mất nếu không có liên minh hải quan nào ra đời sau Brexit”, Paul Drechsler, chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Anh, cảnh báo hồi tháng 6.
Ngoài ra, các hãng hàng không cũng có thể gặp phải gián đoạn lớn về hoạt động kinh doanh, trong khi các nhà bán lẻ khuyên người dân Anh nên dự trữ thực phẩm và thuốc men.
Biến cố tại Italia
Chính trị châu Âu cũng đe dọa ổn định kinh tế của khu vực. Hồi đầu tuần, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ dự thảo ngân sách của Italia vì nước này vi phạm các nguyên tắc của EU về ngân sách của các quốc gia thành viên. Italia hiện có hai lựa chọn là cắt giảm kế hoạch chi tiêu, hoặc chấp nhận bị phạt.
Giới đầu tư lo ngại rằng cuộc xung đột của Rome và Brussels có thể leo thang hơn nữa khiến ngành ngân hàng của Italia chịu nhiều áp lực hơn. Điều này sẽ đè nặng lên nền kinh tế vốn đang ảm đạm của Italia.
“Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro. Số phận tài chính của nước này rất quan trọng đối với khối EU”, Giám đốc nghiên cứu Kathleen Brooks tại Capital Index cho biết.
Kiều Ngọc (Tổng hợp)