“Sử dụng số tiền đó để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có một cái Tết sung túc thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều”
Nên cân nhắc
Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố đang bắt đầu lên kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Một trong số những hoạt động được người dân quan tâm đó chính là chương trình pháo hoa đêm giao thừa.
Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc tổ chức bắn pháo hoa. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với hoạt động này nhưng cũng không ít người cho rằng, việc tổ chức bắn pháo hoa là không cần thiết và gây lãng phí, số tiền đó có thể dùng cho những việc khác, ý nghĩa hơn.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, trên cả nước còn rất nhiều những địa phương không có điều kiện, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Do đó theo ông Cường, nếu có tổ chức bắn pháo hoa thì chỉ nên bắn ở những địa điểm phù hợp, những địa phương có điều kiện. Không phải địa phương nào cũng bắn, như vậy sẽ rất lãng phí.
Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ việc sử dụng nguồn kinh phí dùng tổ chức bắn pháo hoa để hỗ trợ cho những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phi Thảo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hiện nay các tỉnh miền Trung cũng như ở Đắk Lắk vẫn chưa khắc phục hết những hậu quả do thiên tai để lại. Những địa phương này chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ thiên tai bão lũ.
“Khi mà hậu quả của thiên tai vẫn còn đó, đời sống của người dân còn vô vàn khó khăn thì cá nhân tôi không ủng hộ việc bắn pháo hoa”, bà Thảo chia sẻ.
Bà Thảo nêu quan điểm, những địa phương nào còn khó khăn mà có ý định bắn pháo hoa thì nên cân nhắc lại, sử dụng số tiền đó để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ có một cái Tết sung túc thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tại tỉnh Quảng Trị vẫn chưa có kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, cá nhân ông Chiến ủng hộ việc dùng số tiền tổ chức bắn pháo hoa để hỗ trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Theo ông làm như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều.
Nhu cầu không thể thiếu
Cùng chia sẻ quan điểm về việc có nên bắn pháo hoa và dịp Tết Nguyên đán hay không, anh Nguyễn Phúc Thịnh (36 tuổi, Hà Nội) cho rằng:
“Tôi nghĩ mọi người dân phải được hưởng bầu không khí đón chào năm mới. Người nghèo đã được chăm lo cả năm rồi, người giàu cũng đã cống hiến cho xã hội cả năm rồi, tại sao họ không được hưởng bầu không khí vui tươi đón chào năm mới? Nếu nói dành tiền bắn pháo hoa để chăm lo Tết cho người nghèo thì chủ trương này không công bằng với người giàu”.
“Người dân làm việc cả năm cũng chỉ có ngày Tết, muốn được xem bắn pháo hoa cho có không khí, muốn được nghe tiếng đì đùng để cảm nhận thời khắc giao thời. Như năm ngoái, giao thừa tôi đi ra đường chỉ thấy gió với rét. Đêm giao thừa mà cảm thấy buồn rười rượi, hụt hẫng và trống rỗng”, anh Nguyễn Đình Hoàn (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, chị Trần Thu Huyền (27 tuổi, Quảng Ninh) bày tỏ, người xưa đốt pháo khi thời khắc giao thừa chuyển từ năm cũ sang năm mới là để xua đuổi những điều không tốt đẹp của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới.
Về mặt tâm linh, tiếng pháo sẽ xua đuổi tà ma, quỷ ám để đón những điều tốt đẹp, mới mẻ. Ngày nay, đốt pháo đã bị cấm và thay vào đó là bắn pháo hoa. Cách này cũng tốt và ý nghĩa của nó cũng tương tự như đốt pháo.
“Việc bắn pháo hoa xem ra khá tốn kém, trong khi đất nước còn nghèo, còn bao nhiêu việc phải lo. Điều này rất đúng, nhưng mỗi năm cứ lấy cái nghèo ra để cắt khoản này khoản kia là không được. Nếu vì lý do này thì mãi mãi mọi người sẽ không còn được hưởng cái không khí đón giao thừa nữa”, chị Huyền nói.
Thế Tam