Những ngày qua, người trồng cam tại nhiều tỉnh trên cả nước đứng ngồi không yên vì cam rớt giá liên miên và thị trường tiêu thụ khó khăn.

Kết quả khảo sát của Người Lao động tại nhiều vùng trồng cam sành ở Tuyên Quang cho thấy giá bán cam tại vườn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

Anh Lương Văn Đại, chủ vườn cam tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, cho biết tháng 3 hằng năm là thời điểm cuối vụ thu hoạch cam sành ở Tuyên Quang. Giá cam cuối vụ bán buôn tại vườn được thương lái thu mua chỉ từ 10.000-15.000 đồng/kg. Trước đó, vào dịp trước Tết Mậu Tuất, cam sành Hàm Yên cũng chỉ được thu mua với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, bằng 2/3 so với cùng thời điểm năm 2017.

Ồ ạt mở rộng diện tích trồng trọt, cam sành liên tục rớt giá
Nông dân đua nhau mở rộng diện tích trồng trọt khiến cam sành Hàm Yên rơi vào cảnh được mùa, mất giá (ảnh: Tuổi trẻ).

Anh Đại than thở chưa khi nào cam sành Hàm Yên lại có giá bán thấp như năm nay. Thậm chí, có thời điểm cam chín rộ, nông dân đồng loạt thu hoạch khiến giá bán tại vườn chỉ 4.000-5.000 đồng/kg.

Theo anh Đại, thời điểm cam sành được giá nhất là vào năm 2015 khi có giá bán buôn lên tới 20.000 – 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó giá bán của loại cam này giảm liên tục do các hộ dân đổ xô mở rộng diện tích trồng cam dẫn đến lượng cung quá lớn.

Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), giống cam V2 đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, giá thương lái thu mua tại vườn loại đẹp chỉ 30.000-31.000 đồng/kg, giảm 5.000-7.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2017.

Tương tự tình trạng ở Tuyên Quang, cũng vì những vụ cam trước được giá nên nhiều hộ dân phá bỏ vải thiểu chuyển sang trồng cam V2. Ước tính, trong 3 năm trở lại đây, toàn xã Tân Mộc của huyện này có khoảng 200-300 ha chuyển sang trồng cam V2.

Khoảng hơn 2 tuần qua, người trồng cam trên địa bàn huyện Lai Vung, Đồng Tháp, cũng rất lo lắng khi giá cam liên tục giảm.

Theo Báo Đồng Tháp, cam sành loại I được thương lái mua tại vườn với giá chỉ từ 19.000-20.000 đồng/kg, cam soàn loại 1 giá 20.000-21.000 đồng/kg, giảm 15-20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo các số thương lái, nguyên nhân khiến cam rớt giá liên miên trong thời gian qua là do những năm gần đây, nông dân tại nhiều tỉnh liên tục mở rộng diện tích. Trong khi đó, mặt hàng nông sản này chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa được mở rộng khiến nguồn cung vượt cầu.

Trao đổi với VOV, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng chuyện “được mùa, mất giá” đối với nhiều mặt hàng nông sản là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để thoát khỏi tình trạng trên, ông Sơn cho rằng bên cạnh việc định hướng của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương, người nông dân cũng cần có kiến thức về thị trường. Nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến thảm cảnh kêu gọi “giải cứu”.

Nguyễn Trang