Theo kế hoạch năm 2017 của Bộ Tài Chính, các ngân hàng như OCB, ABBank, Techcombank, NamABank, MaritimeBank, VietABank, TPBank, SeABank, HDBank, LienVietPostBank phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng này đều trì hoãn với nhiều lý do.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, để giúp người dân có thể nắm được tình hình sức khỏe của các ngân hàng, NHNN sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán, qua đó người dân và nhà đầu tư có thể xác định tình hình tài chính của các ngân hàng, nhận diện ngân hàng yếu kém.
Trao đổi trên Zing, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN – cho biết nguyên tắc hoạt động của ngân hàng là phải minh bạch tài chính. Chỉ có niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì tình hình ngân hàng mới minh bạch.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu không phải là việc dễ dàng bởi các điều kiện liên quan đến tình hình tài chính. Bên cạnh đó, việc phơi bày những kết quả kinh doanh chưa khả quan hay nợ xấu tồn đọng khi lên sàn cũng là một trong những lý do khiến nhiều ngân hàng e dè.
Theo ông Kiêm, việc nhiều ngân hàng chưa vội vàng lên sàn vì cần phải làm “sạch” bảng cân đối kế toán hoặc khắc phục những vấn đề tồn tại có thể ảnh hưởng tới việc lên sàn. Tuy nhiên, về tương lai xa thì việc các ngân hàng phải niêm yết trên sàn chứng khoán là xu thế tất yếu.
Trang Nguyễn