Chứng kiến cảnh trẻ em mồ côi và các cụ già neo đơn thiếu bàn tay chăm sóc, chị Lê Thị Kim Đan (xã Tân Châu, An Giang) tình nguyện ghi danh vào trung tâm, phụ giúp mọi người. Suốt 23 năm qua, người phụ nữ 42 tuổi ấy vẫn tận tâm với việc làm được trả công bằng sự tín nhiệm và tình yêu thương của mọi người.
Từ lúc đăng ký nhận việc tại Trung tâm giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên (An Giang) khi mới đôi mươi, đến nay chị Lê Thị Kim Đan đã gắn bó với nơi này hơn hai thập kỷ. Suốt thời gian ấy, chị Đan luôn giữ được sự từ tâm như những ngày đầu.
Năm 1995, chị Đan xin vào trung tâm làm nhân viên tạp vụ. Rồi với tính cách vui vẻ, nhiệt tình, sau một thời gian, chị được chuyển sang giữ trẻ và nấu ăn.
Năm 2010, chị được điều về phụ trách khu chăm sóc đặc biệt. Đây là nơi có công việc vất vả và cần những người có tính nhẫn nại.
Ông Nguyễn Văn Măng – Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ trên Báo Thương hiệu & Pháp luật: “Phòng này vất vả lắm bởi là nơi nuôi dưỡng các cụ già không còn khả năng hoạt động chân tay; có cụ không còn trí nhớ chỉ ăn uống theo bản năng, nhiều cụ tâm tính bất thường lại thường xuyên đau ốm”.
Vất vả khó khăn chẳng thể làm nản lòng người có tâm thiện. Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, chị đã có mặt để phụ nhà bếp nấu ăn; sau đó làm vệ sinh cho các cụ bệnh nặng, các em bị tâm thần và khuyết tật không tự vận động được.
Chẳng ngơi tay, khi trưa đến, chị lại đút cơm cho họ. Và đến 19 giờ, chị đến trực đêm, coi mọi người, phòng chuyện bất trắc.
Không chỉ công việc vất vả, chị còn thường gặp sự cáu gắt, nổi giận của các cụ cao tuổi, hay sự phản ứng thái quá từ những trẻ thiểu năng.
Cụ Nguyễn Thị Dừa (94 tuổi, quê ở Bến Tre) đã vào ở trung tâm gần 20 năm xúc động kể: “Nếu không có cháu Đan, chúng tôi đã “xanh cỏ” từ lâu, “cổ” quá tử tế với chúng tôi còn hơn con cháu ruột thịt, ơn nghĩa nầy tới chết cũng đem theo. Người đâu mà tốt quá chừng”.
Chị Đan chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Cha mẹ mất sớm, tôi từng sống cảnh mồ côi nên rất đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh. Ngay từ lúc đặt chân đến nơi này, tôi đã tâm nguyện coi những cụ già và các em bé mồ côi như người thân trong gia đình. Hiện nay tôi có ba đứa con, đứa lớn đã đi làm. Chồng tôi làm ở công trình đô thị, rất thích làm việc thiện”.
Ban đầu, chồng chị không đồng tình với việc làm của vợ vì mất nhiều thời gian lại rất vất vả mà không hưởng lương nhà nước. Tuy nhiên, sau nhiều lần tận mắt chứng kiến, anh đã thay đổi hoàn toàn ý định.
“Tới đây rồi mới hiểu hết việc làm ý nghĩa của vợ, tôi ủng hộ liền dù gia đình còn rất khó khăn nhưng phải gói ghém để vượt qua thôi”, anh Phạm Văn Chót – chồng chị Đan chia sẻ.
23 năm lặng lẽ làm việc thiện, chị Đan đã được nhận nhiều bằng khen của TW, tỉnh An Giang. Nhưng có lẽ, bằng khen đáng giá nhất đối với người phụ nữ này là khi thấy các cụ được chăm sóc đủ đầy, tươm tất trong những căn phòng ấm cúng, khang trang, sạch đẹp đầy ắp tình người.
Hoàng Minh (Tổng hợp)