Dòng nước lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn cuốn theo một lượng củi, gỗ lớn về hạ lưu. Nhiều người dân ở vùng lũ Nghệ An, Thanh Hóa bất chất nguy hiểm, lao xuống dòng nước xiết vớt từng khúc cây, nhành củi.

Cứ mỗi mùa mưa bão, khi dòng nước lũ trên thượng nguồn đổ về, những người dân nghèo lại lao mình ra giữa con nước, kiếm thêm con cá con tôm bổ sung cho bữa ăn gia đình, hay mót chút củi, gỗ kiếm thêm thu nhập bất chấp nguy hiểm luôn rình rập.

Báo Nghệ An đưa tin, do ảnh hưởng của bão số 4, nước lũ trên sông Lam, sông Lò dâng cao, cuốn theo nhiều gỗ, củi từ thượng nguồn tràn về Quốc lộ 7 và vùng hạ du. Chớp thời cơ, dân nghèo ở Thanh Hoá và Nghệ An lại đổ xô đi mót củi, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra.

Ở hạ du, người dân Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) ở ven sông Lam và dọc hai bên sông Lò đoạn qua xã Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Lư (Thanh Hoá), thanh niên, người già và cả trẻ nhỏ tập trung vớt củi, kéo gỗ.

Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Nhiều người người lớn và trẻ em tập trung vớt củi bên bờ sông Lò. (Ảnh: Dân Trí)
Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Những đứa trẻ nhỏ cũng theo người lớn ra bờ sông để vớt củi. (Ảnh: Dân Trí)

Có khi may mắn vớt ngay dưới chân công trình thuỷ điện, cũng có lúc phải dùng những chiếc sào dài có móc sắt để ngoắc kéo vào. Thậm chí, không ít người đã lội ra sông, ngâm mình dưới dòng nước lũ đục ngầu, nước lên đến tận cổ, miễn sao kéo được củi vào bờ.

Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Nhiều loại gỗ, củi lớn người dân vớt được. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Giữa dòng nước lớn chảy xiết, người dân trêu ngươi Hà Bá, lưng trần chèo thuyên nan cũ kỹ, lao theo dòng lũ chỉ mong kiếm được chút ít lo cho cuộc sống hằng ngày. Mỗi lần như vậy, khi quay vào bờ, những chiếc thuyền nan sơ sài chở đầy gỗ củi có thể chìm bất cứ lúc nào.

Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Thuyền nan chở đầy gỗ. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Người dân cố gắng mang “chiến lợi phẩm” lên bờ. (Ảnh: Dân Trí)

Theo Zing, để chạy đua với nước lũ, nhiều gia đình huy động toàn lực đi vớt củi trên sông, kẻ trục vớt, người vận chuyển. Theo người dân địa phương, đợt lũ này to hơn lũ lần trước (bão số 3), nên vớt được nhiều loại gỗ, củi lớn. Tranh thủ thời gian để “cướp” củi với lũ, một số người không kịp đưa củi lên bến, mà xếp thành đống ngay trên vùng nước cạn.

Với “chiến lợi phẩm” cướp được từ nước lũ, nhưng thân gỗ to và tốt sẽ được đem bám lấy tiền, củi vụn đem đun bếp.

Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Sào dài là công cụ để kéo củi nhỏ vào bờ. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Một người dân xã Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: Chịu khó vớt củi lụt một chút sẽ không phải đi rừng, không phải tốn tiền mua củi. Đợt lũ này, mỗi nhà dân ở đây cũng kiếm được vài ô tô củi, đun được cả năm.

Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Bất chấp nguy hiểm, người dân liều mình ra sông đánh cá. (Ảnh: Dân Trí)
Người dân Thanh Hoá, Nghệ An liều mình vớt củi giữa dòng nước lũ
Dòng nước đục ngầu, chảy cuồn cuộn ở Thanh Hoá. (Ảnh: Dân Trí)

Thúy Quỳnh