Để đối phó với bão Sơn Tinh, người dân tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đang cấp tập chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, di chuyển tới nơi an toàn.

Chiều tối nay (18/7), bão Sơn Tinh sẽ đổ bộ vào đất liền và gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình.

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của bão, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị nằm trực tiếp trong vùng ảnh hưởng của bão đang tích cực triển khai các phương án ứng phó như hoãn họp, cấm biển, kêu gọi tàu thuyền, di dân…

Người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đón bão Sơn Tinh
Chủ cửa hàng hải sản dọc bờ biển Cửa Hội đóng bao cát để lên mái và các góc tường để tránh bão gây thiệt hại. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đón bão Sơn Tinh
Nhiều cửa hàng cũng tạm dỡ các biển hiệu để tránh bị bão quật đổ. (Ảnh: Báo Nghệ An)

Ngoài việc chằng chống nhà cửa, những tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cũng ra thông báo cấm các tàu không được ra khơi. Tại nhiều nơi, ngư dân đã cho tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn.

Người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đón bão Sơn Tinh
Người dân neo đậu tàu thuyền trong cảng Cửa Lò (Nghệ An). (Ảnh: Báo Nghệ An)
Người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đón bão Sơn Tinh
Hiện tại, toàn bộ tàu thuyền ở Nghệ An, Thanh Hóa đã về nơi trú ẩn an toàn. (Ảnh: Báo Giao Thông)
Người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đón bão Sơn Tinh
Ngư dân TP. Sầm Sơn kéo hàng trăm thuyền, bè lên đường phố để tránh hư hại do sóng đánh. (Ảnh: Zing)
Người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đón bão Sơn Tinh
Ngư dân Nam Định kéo thuyền lên đê để chống bão. (Ảnh: Tiền Phong)

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đến sáng nay, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện/237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão Sơn Tinh để chủ động phòng, tránh. Tuy nhiên, vẫn còn 34 tàu thuyền và 94 lao động đang ở trong khu vực nguy hiểm, theo Tiền Phong.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.

Từ chiều tối nay (18/7), trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ chiều nay cũng có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm). Cảnh báo, từ ngày 18/7 đến 20/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ.

Để điều tiết lũ, hồ Sơn La đã thực hiện đóng cửa xả đáy. Riêng hồ Hòa Bình tiếp tục theo dõi dự báo thời tiết, lượng mưa trong 1-2 tới mới quyết định việc này.

Như Quỳnh