Theo số liệu của công ty dịch vụ tài chính Lipper thuộc Thomson Reuters, các nhà đầu tư thuộc các quỹ của Mỹ đã rút 23,9 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán trong tuần kết thúc ngày 7/2, lượng tiền bị rút lớn nhất từ năm 1992 tới nay.

Nhà phân tích kỳ cựu của Lipper, Pat Keon, cho rằng các nhà đầu tư đang chuyển tiền từ chứng khoán sang các tài sản an toàn, với các khoản đầu tư kiểu tiền mặt là 30,8 tỷ USD trong tuần.

Theo ông Pat Keon, thị trường đã đến lúc cần điều chỉnh sau khi sức mua quá mạnh.

Chỉ số Dow Jones đã để mất hơn 1.000 điểm trong phiên 8/2, đưa thị trường vào trạng thái điều chỉnh giảm khi đã mất 10% kể từ mức cao kỷ lục.

Sự lao dốc của thị trường diễn ra sau khi số liệu cho thấy tiền lương tại Mỹ tăng với tốc độ theo năm mạnh nhất trong hơn 8 năm rưỡi.

Lương tăng có thể sẽ làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và làm gia tăng sức ép lạm phát, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải nâng lãi suất và thắt chặt các biện pháp hỗ trợ nhanh hơn dự kiến.

Khả năng lãi suất tăng là lý do để các thị trường dừng đà tăng kéo dài từng đẩy chỉ số S&P 500 tăng 20% trong năm 2017 và gần 8% trong 18 ngày đầu tiên của năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu cho thấy quá nhiều tiền đã được đổ vào thị trường. Chỉ trong tháng trước, các quỹ chứng khoán tại Mỹ đã nhận được lượng tiền mặt nhiều nhất kể từ tháng 7/2013.

Hai tuần trước, các quỹ đầu tư cổ phiếu công nghệ thu hút một lượng tiền mặt lớn nhất kể từ thời kỳ bong bóng dot.com.

Nhưng các quỹ này đã bị rút 1,1 tỷ USD trong tuần gần đây nhất, số tiền lớn nhất kể từ tháng 9/2016.

Các thị trường chứng khoán ngoài nước Mỹ, bao gồm các thị trường mới nổi, và các trái phiếu sẽ là những tài sản an toàn được các nhà đầu tư tìm đến.

Quang Minh