Đã 4 tháng trôi qua kể từ sau khi quyết định nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Tàu Cuốc, ông Hồng vẫn chưa có sổ bảo hiểm để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp do ông không ký vào “Đơn tự nguyện không nhận tiền trợ cấp thôi việc” mà doanh nghiệp đưa ra.

Làm việc tại Công ty Cổ phần Tàu Cuốc gần 34 năm, ông Nguyễn Hữu Hồng (56 tuổi, quận 7) trầm ngâm chia sẻ với VOV, chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng do bị thoát vị đĩa đệm, sức khỏe yếu nên ông xin thôi việc. Tổng Giám đốc đã ra quyết định cho ông Hồng được hưởng trợ cấp thôi việc hơn 93 triệu đồng. Tuy nhiên, 4 tháng trôi qua, đến nay ông vẫn chưa có sổ để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp vì ông không chịu ký vào “Đơn tự nguyện không nhận tiền trợ cấp” mà doanh nghiệp đưa ra.

Cùng cảnh ngộ với ông còn có 10 người lao động khác, khi nghỉ việc cũng bị ép không nhận tiền trợ cấp thôi việc để được chốt sổ BHXH. Do số tiền không đáng kể nên họ phải chấp nhận yêu cầu của công ty nhằm nhanh chóng được chốt sổ để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Muốn chốt sổ BHXH, người lao động phải từ chối nhận tiền trợ cấp thôi việc
Ông Hồng không thể chốt sổ BHXH vì không ký vào “Đơn tự nguyện không nhận tiền trợ cấp”. (Ảnh: VOV)

Liên quan đến vụ việc, bà Trương Đỗ Thanh Nhàn – Trưởng phòng TCHC Công ty Tàu Cuốc xác nhận với Liên đoàn Lao động TP. HCM, doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên nợ BHXH và chưa có tiền trả trợ cấp thôi việc cho nhân viên. Trong số 11 người nghỉ việc, một số người đã được chốt và trả sổ nhưng bà Nhàn phủ nhận việc người lao động bị ép viết đơn tự nguyện từ bỏ quyền lợi. Riêng ông Hồng vì còn vướng bận vấn đề bàn giao nên chưa được chốt sổ BHXH.

Không riêng trường hợp của Công ty Tàu Cuốc, hiện nay nhiều doanh nghiệp tại TP. HCM cũng lâm vào tình trạng nợ BHXH nên không thể chốt sổ cho nhân viên, Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định – Phong Phú là một trong số đó.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (49 tuổi) tham gia bảo hiểm thất nghiệp 8 năm 6 tháng, tuy nhiên khi tới làm hồ sợ nhận trợ cấp thất nghiệp của chị không được chấp nhận do công ty đang nợ quỹ bảo hiểm.

Nghỉ cùng đợt với chị Nga là chị Kiều Thị Út. Dù có tới hơn 11 năm đóng BHXH và hơn 8 năm đóng BHTN nhưng khi nghỉ việc, chị Út không nhận được bất kỳ trợ cấp nào.

“Tôi có 11 năm 6 tháng tham gia BHXH, 8 năm 1 tháng tham gia BHTN. Vậy mà, sau 12 năm gắn bó với Cty, tôi không nhận được bất kỳ trợ cấp nào. Nhiều lần đến khiếu nại, công ty còn không cho tôi vào,” chị Út bức xúc chia sẻ với Báo Lao Động.

Muốn chốt sổ BHXH, người lao động phải từ chối nhận tiền trợ cấp thôi việc
Tương tự Công ty Cổ phần Tàu Cuốc, Công ty Dệt May Gia Định – Phong Phú cũng nợ BHXH khiến người lao động gặp nhiều khó khăn sau khi thôi việc. (Ảnh: Lao Động)

Theo bà Trần Ngọc Giao Châu, Trưởng phòng quản lý thu và khai thác nợ BHXH TP. HCM, hiện nay có nhiều doanh nghiệp không thể chốt sổ cho người la động do nợ tồn BHXH.

Để hạn chế thấp nhất rủi ro cho người lao động, BHXH Việt Nam đã giải quyết các trường hợp này theo Quyết định 595.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, công ty phải có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp… bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định. Cơ quan BHXH sẽ xác nhận sổ để giải quyết chế độ cho người lao động.

Trường hợp doanh nghiệp chưa đóng đủ thì xác nhận số BHXH theo nguyên tắc người lao động đóng tới thời điểm nào, xác nhận sổ tới thời điểm đó. Sau khi doanh nghiệp đóng khoản tiền nợ thì sẽ xác nhận bổ sung tiếp theo vào sổ BHXH.

“Trường hợp nếu như doanh nghiệp không đủ khả năng đóng trước tiền cho người lao động thôi việc, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH đề nghị cơ quan BHXH giải quyết sổ theo cách nộp tiền tới đâu chốt sổ tới đó. Sau này khi doanh nghiệp nộp đủ loại tiền, chốt sổ bổ sung trả cho người lao động”, bà Châu cho biết thêm

Huyền Hương