Đúng như tên gọi, bộ phim truyền hình “Mộng phù hoa” tái hiện lại cuộc đời đầy sóng gió, truân chuyên của cô Ba Trà – người được mệnh danh là ‘đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn’ những năm 30-40 của thế kỷ 20.
Điều đáng nói là bộ phim dựa trên những tình tiết có thật trong cuộc đời của người phụ nữ xinh đẹp, sắc sảo nức tiếng thời bấy giờ ở Sài Thành.
Cô Ba Trà, tên thật là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 tại Cần Đước, Long An; được xem là “đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn” trước đây. Bà còn được gọi bằng Yvette Trà, ghép với tên Yvette là một nữ tài tử nổi tiếng trên màn bạc lúc đó.
Chân dung cô Ba Trà. (Ảnh: Tư liệu)
Tác giả kịch bản Nguyễn Chương chia sẻ: “Sau khi đọc Sài Gòn tạp pín lù của học giả Vương Hồng Sển cùng nhiều tư liệu khác về cô Ba Trà, tôi đặc biệt hứng thú với nhân vật này. Không như một số mỹ nhân khác, cô Ba Trà ý thức rất rõ sức mạnh của nhan sắc, nên chủ động tận dụng nhan sắc để kiếm tiền, chủ động xông vào sự cám dỗ”.
Bên cạnh đó, theo Nguyễn Chương, trong tác phẩm truyền hình này, qua cuộc đời Ba Trang được xây dựng từ nhân vật cô Ba Trà, đặc biệt là thói quen xài tiền như nước lẫn việc ỷ lại: cứ hết tiền của ông đốc này sẽ được công tử khác cung phụng, anh muốn góp “tiếng nói” phản bác việc quá tin vào sự an bài của số phận cùng tư tưởng mê tín ở một bộ phận không nhỏ người Việt cả xưa và nay.
Trong phim, cuộc đời của Ba Trang lúc nhỏ gần như là cuộc đời của cô Ba Trà: cha chết tức tưởi vì nghi ngờ mẹ mình ngoại tình, rồi bà nội đột tử vì cái chết của cha mình, hai áo quan đưa ra nghĩa địa trong ngày mưa tầm tã mở đầu cho chuỗi dài bi kịch của cô… Cuộc sống xa hoa của Ba Trang khi trở thành một nhan sắc nức tiếng Sài Gòn khiến bao công tử phải điêu đứng cũng được “phác họa” từ chính những câu chuyện quanh cuộc đời cô Ba Trà.
“Có không ít cảnh quay phát triển từ giai thoại về lòng si mê của Hắc – Bạch công tử với cô Ba Trà như: dùng tiền mệnh giá lớn đốt để tìm tờ tiền có mệnh giá nhỏ; hay mua kim cương nhưng không cho mỹ nhân chọn mà mua hết, cái nào không ưng thì bỏ; hoặc đua xe cổ…”, đạo diễn Trần Quế Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, đạo diễn Trần Quế Ngọc cho biết trong “Mộng phù hoa”, việc chuẩn bị bối cảnh, phục trang, đạo cụ để tạo không khí Sài Gòn cũng như Nam kỳ xưa, từ tái hiện đường phố, xe cộ, quán xá đến khí chất con người như các công tử Bạc Liêu hào sảng, những ông Tây phóng khoáng… rất tốn thời gian và kinh phí, mà theo chị là gấp 2, 3 lần so với các phim quay ở xã hội hiện tại.
Nữ diễn viên được đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” cho nhân vật mỹ nhân Sài Thành này chính là Kim Tuyến – người đã rất thành công với vai diễn quận chúa trong phim “Về đất Thăng Long” (năm 2011) và nhiều phim ăn khách khác như Tuổi thanh xuân, Mùa sen cạn, Con dâu, Bản kê của số phận, Ranh giới mong manh…
Kim Tuyến đóng cặp với Lý Hùng trong “Về đất Thăng Long”
“Mộng phù hoa” gồm có 36 tập, sẽ được phát sóng trên VTV3 bắt đầu từ tháng 1/2018.
‘Mộng phù hoa’ tái hiện sâu sắc cuộc đời cô Ba Trà – ‘đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn xưa’
‘Mộng phù hoa’ tái hiện sâu sắc cuộc đời cô Ba Trà – ‘đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn xưa’
Một vài hình ảnh được Đoàn làm phim chia sẻ.
Minh Huệ