Người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều mối quan tâm như sức khỏe, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, phúc lợi, hạnh phúc của bố mẹ, nhưng điều họ để tâm đến nhiều nhất là sự ổn định về công việc.
Một báo cáo vừa công bố của hãng nghiên cứu Nielsen cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về mức độ lạc quan.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đạt 116 điểm trong quý III/2017, giảm nhẹ 1 điểm so với quý II nhưng vẫn là số điểm cao hàng đầu thế giới, chỉ sau Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Mỹ.
Nghiên cứu của Nielsen cho thấy cứ 3 trong số 5 người Việt (66%) để dành tiền vào tiết kiệm (so với 63% trong quý II/2017), đứng sau Philippines (69%), Thái Lan và Indonesia (68%), Singapore (67%). Tỷ lệ này ở quy mô toàn cầu là 52%.
Cùng với xu hướng tiết kiệm, người Việt lại sẵn sàng tăng chi tiêu cho những khoản mục lớn để nâng chất lượng cuộc sống. Sau khi trang trải phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 2/5 người tiêu dùng Việt sàng chi tiêu cho du lịch (44%), mua sắm quần áo mới (44%), các sản phẩm công nghệ mới (44%) , sửa chữa nhà cửa (37%) và các dịch vụ giải trí bên ngoài (38%). Khoảng 28% người tiêu dùng Việt Nam đã mua các gói bảo hiểm y tế cao cấp trong quý III năm ngoái.
“Người tiêu dùng Việt liên tục thể hiện sự khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn và họ đang từng bước từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho điều này ngay từ bây giờ. Do đó, không ngạc nhiên khi tiết kiệm luôn là ưu tiên hàng đầu của đại đa số người tiêu dùng Việt vì đây là cách họ xây dựng nền tảng kinh tế cho tương lai” báo cáo viết.
Trong số những mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất là sự ổn định về công việc chiếm tỷ lệ 41%. Mối quan tâm lớn tiếp theo là sức khỏe (37%), sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (27%), kinh tế (22%), và phúc lợi và hạnh phúc của bố mẹ (17%).
Báo cáo cũng cho thấy Đông Nam Á là khu vực có chỉ số niềm tin người tiêu dùng thuộc hàng cao nhất trên thế giới, bên cạnh khu vực Bắc Mỹ và Châu Á–Thái Bình Dương.
Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt đã cho thấy tâm lý lạc quan trong suốt năm 2017, và xu hướng đồng nhất đó là kết quả của sự lạc quan về khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhiều, thu nhập hộ gia đình và tỷ lệ thất nghiệp giảm cũng là những tín hiệu tích cực giúp người Việt trở nên lạc quan và tự tin hơn, đại diện của Nielsen giải thích.
Minh Tuệ