Hoa đỗ quyên ngủ đông đang tạo nên cơn sốt ở thị trường hoa Tết năm nay. Tuy nhiên, xoay quanh loài hoa này vẫn có nhiều thông tin trái chiều về lượng độc tố có trong hoa khiến người mua hoang mang.
Gần Tết, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mới lạ được nhiều người chú ý có tên gọi là hoa đỗ quyên ngủ đông. Loại hoa này nhanh chóng nhận được sự chú ý lớn từ phía người tiêu dùng. Được biết, đây là loài hoa được nhập từ Quảng Châu, Trung Quốc, theo Sở hữu trí tuệ.
Bên ngoài, cành hoa đỗ quyên ngủ đông nhìn giống những cành củi khô. Chúng có chiều dài từ 50-60cm, mỗi bó trung bình từ 20-50 cành. Giá của loại hoa này khá rẻ, dao động từ 90.000 – 200.000 đồng/bó, còn bán lẻ theo cành giá 5.000 – 7.000 đồng/cành.
Hoa đỗ quyên ngủ đông gây sốt thị trường hoa dịp Tết
Những cành đỗ quyên “ngủ đông” sau khi cắm vào bình nước sạch như các loại hoa thông thường, lá ở các cành sẽ hồi sinh trở lại. Và khoảng 10-20 ngày tiếp theo thì hoa bung nở rực rỡ. Những bông hoa mới hé nở sẽ có màu hồng nhạt và chuyển dần sang màu tím hồng, có mùi thơm nhẹ.
Chính vì vậy, hoa đỗ quyên được ưa thích để trang hoàng dịp Tết với cành hoa đẹp, màu sắc hoa diễm lệ, thời kỳ ra hoa dài. Tuy nhiên, những ngày gần đây đã có nhiều thông tin cho rằng, loại hoa giá rẻ lại có khả năng “thức giấc” lạ kỳ này đang “ngậm” hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, loại hoa đỗ quyên khô hay còn gọi là hoa ngủ đông hoàn toàn có thể nở hoa bình thường mà không cần ngâm, tẩm các hóa chất độc hại nhờ công nghệ sấy lạnh kỹ thuật cao, theo VTC News.
Thực hư thông tin hoa đỗ quyên ngủ đông chứa độc tố?
Công nghệ sấy lạnh còn gọi là freeze drying có từ lâu và rất phổ biến tại các quốc gia công nghệ phát triển như Mỹ, Nhật Bản… Do trước đây có giá thành rất cao, quy mô đầu tư lớn nên công nghệ này chưa thực sự phổ biến vào đại chúng.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, chính đặc tính tươi bền lâu, “ngủ đông” rồi “hồi sinh” khiến nhiều người lựa chọn hoa đỗ quyên. Khi đỗ quyên được sấy lạnh, tỷ lệ nước trong cây sẽ dần dần giảm xuống nhưng những đặc tính của tế bào vẫn giữ nguyên. Từ đó, cây sẽ từ từ “ngủ đông” và trông giống như những cây củi khô.
Ông Thịnh cho rằng, để có thể bảo quản lâu dài, nhà chế biến đã xông khí SO2 để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn độc hại có thể làm giảm chất lượng cành hoa. SO2 là khí độc nhưng chỉ được dùng như một loại hóa chất diệt khuẩn và nấm mốc.
“Trong quá trình sử dụng, chất khí SO2 này cũng bay ra hết. Và không chỉ riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cũng đều dùng phương pháp này để bảo quản. Ví dụ như dùng trên măng sấy khô để chống bị mốc, hay như quả vải, quả nhãn sấy khô người ta cũng dùng SO2 để bảo quản chống mốc.
Thậm chí, trong sản xuất đường, gần như 100% là xông SO2 để bảo quản… Ngoài thực phẩm, phương pháp này còn dùng được cho cả dược phẩm”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Còn theo TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả, Bộ NN&PTNT, việc xông khi SO2 để khử khuẩn và nấm cần xem lại việc xông bao lâu và nồng độ là bao nhiêu thì mới có thể kết luận độc hại hay không. Ông Đông cho rằng, cần thận trọng trong đánh giá và cần xem xét cụ thể hơn về hoa đỗ quyên ngủ đông, loại hàng Tết mới năm nay.
Đức Huy