Giống lê Tai Nung VH6 được tỉnh Lào Cai hỗ trợ cho những hộ dân nghèo trồng với mong muốn giúp họ đổi đời. Tuy nhiên, sau 8 năm trồng, giống lê này vẫn chỉ cho ra hoa và lá, không đậu quả khiến nhiều hộ dân không biết chặt bỏ để trồng loại cây khác hay tiếp tục chờ… lê ra quả.

Dù là xã nông thôn mới, trực thuộc thành phố Lào Cai, đời sống của người dân xã Tả Phời vẫn còn nhiều khó khăn, thu thập chỉ trông chờ vào làm nông nghiệp và không có nghề phụ. Có những thôn như Phìn Hồ, Phìn Hồ Thầu tỷ lệ hộ nghèo gần như chiếm 100% tổng số hộ dân.

Năm 2011, bà con mừng rỡ khi nhận được thông tin tỉnh sẽ đầu tư toàn bộ giống và vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kĩ thuật để trồng cây lê Tai Nung VH6.

Sau khi khảo sát, 2 thôn Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu được chọn để trồng thí điểm. Hai năm sau, diện tích trồng lê tại đây đạt 80 ha. Từ năm 2014, dự án ngừng việc trồng mới, tiếp tục hỗ trợ phân bón cho các diện tích trước đó. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là hơn 900 triệu đồng.

Sau triển khai dự án, những hộ dân thôn Phìn Hồ Thầu chờ đợi ngày thu hoạch lê cùng hy vọng sẽ sớm thoát nghèo. Thế nhưng, năm này qua năm khác, lê Tai Nung VH6 vẫn chỉ cho thu lá.

Chia sẻ trên Lao động, bà Vàng Thị Pây – hộ nghèo của thôn với 6 miệng ăn – cho biết, suốt 7-8 năm cây lê vẫn chưa ra quả, người dân giờ không biết tính sao.

Trong khi đó, báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phời cho biết, thực tế sau 3 năm trồng, những cây lê đầu tiên của gia đình ông Chảo Láo Sử (thôn Phìn Hồ) và Giàng A Su (thôn Phìn Hồ Thầu) đã bói quả. Có nhà thu hoạch lứa lê đầu tiên đạt năng suất tới 15-20 tạ/ha, với trọng lượng từ 3-4 quả/kg.

Tuy nhiên, từ năm 2014, hầu hết diện tích lê đã trồng ra hoa nhưng chỉ 1% số cây cho quả, còn lại chỉ cho… thu lá.

Trước thực trạng trên, năm 2017, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai dùng biện pháp kĩ thuật, ức chế ra hoa đậu quả nhưng vẫn không hiệu quả.

Anh Giàng A Su (thôn Phìn Hồ Thầu) than thở cho đến nay cây lê này vẫn chưa giúp xóa đói giảm nghèo được gì bởi vì hiện tại người dân tốn nhiều công chăm sóc nhưng chưa được thu hoạch vì không có quả.

Giống lê ngoại trồng 8 năm chỉ cho thu lá: Vỡ mộng giấc mơ thoát nghèo của người dân Lào Cai
Hy vọng đổi đời của hàng trăm hộ nghèo ở xã Tả Phời bị dập tắt khi giống lê Tai Nung VH6 không chịu ra quả. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Lý giải việc lê không cho quả, lãnh đạo xã Tả Phời cho rằng 2 thôn triển khai dự án nằm trong vùng có lượng mưa, sương mù lớn, ít nắng và không có gió trong thời gian hoa nở. Vì vậy, thời tiết có thể ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn, khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Ngoài ra, vẫn còn có hộ dân chưa chăm sóc cây đúng quy trình kĩ thuật.

Dự án trồng giống lê ngoại giúp hộ nghèo đổi đời thất bại, tháng 4/2018, xã Tả Phời đề nghị chuyển đổi thay thế diện tích cây lê Tai Nhung VH6 kém phát triển sang trồng cây dược liệu. Đối với diện tích lê tập trung thành vùng, tỷ lệ đậu quả thấp thì hỗ trợ người dân trồng xen cây ngắn ngày dưới tán. Xã này cũng đề nghị thí nghiệm ghép cải tạo giống để điều chỉnh thời gian ra hoa, đậu quả của cây lê. Điều đáng nói là, với đề xuất này, một lần nữa, kế sinh nhai của người dân lại được đem ra… thí điểm.

Giống lê Tai Nung VH6 được nhập trồng khảo nghiệm tại Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai từ năm 2002. Giống lê VH6 là cây ăn quả lâu năm, có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc). Cây trồng 1 lần có thể cho chu kỳ thu hoạch từ 30-40 năm.

Giống lê này phát triển và cho sản lượng cao ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai) và phát triển trên 1.000 ha tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã công nhận cây lê Tai Nung VH6 là giống cây trồng mới, bản quyền thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, tại xã Tả Phời giống lê này lại chưa cho thấy hiệu quả khi chỉ ra hoa.

Nguyễn Trang