Tình trạng lợn Trung Quốc tràn sang Việt Nam vì được giá đang đặt ra câu hỏi có phải cách quản lý đang có vấn đề. Tình trạng giá lợn đang tăng cao được người nuôi cho là sốt thật trong khi ngành chăn nuôi lại cho là sốt ảo lại càng nêu bật câu hỏi đó.  

Theo khảo sát của báo Lao động, giá lợn giống tuần qua mới giảm nhẹ dù các cơ quan quản lý đẩy mạnh tuyên truyền để bình ổn thị trường. Lợn giống (từ 26-30 tuần tuổi) xuất tại trại giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước đó, hiện vẫn ở mức là 49.000-50.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một chủ trang trại ở Hưng Yên, tình dấu hiệu giảm giá này có thể sẽ không bền vững do lượng lợn giống hiện nay không còn nhiều, trong khi các cơ quan quản lý siết chặt nên lợn giống từ Trung Quốc không tràn sang ồ ạt như hồi cuối tháng 5.

Một chủ trang trại khác tại Ứng Hòa (Hà Nội) cũng cho biết trang trại của ông không đủ lợn giống cung ứng cho các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương… do ông đã giảm tổng đàn nái đi 30% sau đợt khủng hoảng giá thịt lợn vừa qua.

Ông cho biết giá lợn hơi giờ đây đã tăng lên 50.000 đồng/kg nên nhiều hộ chăn nuôi lại muốn cải tạo chuồng để tái đàn. Trong khi đó, lượng lợn sữa không nhiều do tổng đàn nái đã giảm, nhưng nhu cầu lại cao. Do cầu vượt cung nên giá lợn sữa loại 7-9 kg đã tăng từ 600.000-700.000 đồng/kg lên 1,5-1,8 triệu đồng/con nhưng vẫn không có để bán. Ngoài ra, bản thân các trang trại cũng đang muốn tái mở rộng đàn.

Giá lợn ‘sốt’ thật, cơ quan quản lý vẫn cho là ảo
Các trang trại không muốn bán lợn giống ra ngoài vì cũng có nhu cầu mở rộng đàn. (Ảnh: Farmvina)

Không chỉ lợn giống, giá lợn hơi cũng đang ở mức cao, từ 48.000-49.000 đồng/kg, và người nuôi đang có dịp ép lại các thương lái, khiến giá thịt lợn vẫn neo ở mức này hơn 1 tháng nay.

Theo một người nuôi lợn ở Ninh Bình, giá lợn hơi tại địa phương này đang ở mức cao, thương lái lùng sục tìm mua từng ngày nhưng hầu như không đủ.

Dưới góc nhìn của người nuôi thì giá lợn tăng cao kỷ lục tại nhiều địa phương cho thấy thị trường dường như đang ở trong “cơn sốt” thật, nhưng với cơ quan quản lý ngành thì không hẳn vậy.

Tờ Lao động dẫn lời ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng giá lợn bị đẩy lên 50.000 đồng/kg là do một số lò mổ nhỏ lẻ phải mua lợn trong dân, vì khan hiếm nên khu vực này giá bị đẩy lên cao.

Ông Dương cho rằng giá thịt lợn hơi ở mức sát 50.000 đồng/kg là “tăng do tâm lý” và khuyến nghị người nuôi nên bán lợn khoảng 100-120 kg/con là hợp lý, tránh tình trạng khan hiếm giả tạo, gây áp lực ảo cho thị trường.

Người đứng đầu Cục Chăn nuôi cho biết giá lợn thu mua tại các trang trại và doanh nghiệp lớn trên cả nước hiện ổn định ở mức 45.000-46.000 đồng/kg, và mức giá này có thể duy trì trong một thời gian nữa.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, dương như cách quản lý của ngành chăn nuôi đang “có vấn đề”.

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng dù giá lợn tăng cao nhưng người chăn nuôi nhỏ lẻ đang phải đứng ngoài cuộc chơi vì không còn lợn để bán. Bên cạnh đó, họ muốn tái đàn cũng không còn vốn để đầu tư.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cách dự báo, điều hành của các cơ quan chức năng đang có vấn đề, không chỉ không giúp ích gì cho người chăn nuôi mà còn khiến cả người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt vì mua thịt lợn giá cao.

Giá lợn trong nước tăng khiến lợn hơi và lợn giống từ Trung Quốc đang tìm cách bán sang Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Theo khảo sát, giá lợn hơi Trung Quốc hiện rẻ hơn Việt Nam khoảng 8.000-9.000 đồng/kg.

Minh Tuệ