Hãng định mức tín nhiệm Fitch cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn còn quá nới lỏng, thanh khoản dư thừa và có thể tác động đến sự ổn định vĩ mô.
Theo báo cáo phân tích về chính sách tiền tệ của Việt Nam vừa được Fitch công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được dự báo sẽ tiếp tục giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25% trong năm 2018 và 2019 để cân bằng mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.
Fitch cũng dự báo các nhà hoạch định chính sách Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp thắt chặt có chọn lọc như chỉ đạo siết cho vay hoặc các biện pháp vĩ mô thận trọng.
Fitch đánh giá NNHN đang dần hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ, chuyển dịch theo hướng dùng lạm phát làm neo danh nghĩa và tăng tính linh hoạt cho tỷ giá, nhưng cơ quan này vẫn dùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng là công cụ điều hành tiền tệ chính.
Nhìn chung, Fitch nhận định lập trường chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn còn quá nới lỏng, thanh khoản dư thừa. Chính sách này hiện vẫn chưa tác động lên sự ổn định vĩ mô, nhưng nguy cơ gây rủi ro cho nền kinh tế là rất lớn.
Thực tế, trong năm 2018, NHNN đã công bố nhiều quy định thắt chặt về cho vay, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại duy trì kiểm soát các khoản vay mới trong các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, tín dụng tiêu dùng và đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, Fitch cho rằng chính sách tiền tệ vẫn còn quá nới lỏng. Lãi suất liên ngân hàng vẫn thấp hơn đáng kể so với lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu, làm hạn chế hiệu quả từ cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ của NHNN.
Bên cạnh đó, Fitch đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào tín dụng, nhưng đây là cách thức không bền vững.
Nguyên nhân là khi tín dụng sụt giảm do các cú sốc bên trong và bên ngoài (như sự sụp đổ của thị trường bất động sản năm 2010-2012), kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều hậu quả đau đớn. Nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm hơn đáng kể và kéo dài hơn so với cuộc khủng hoảng trước trong hệ thống ngân hàng.
Bình luận về cảnh báo rủi ro từ Fitch, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực chia sẻ trên Vnexpress rằng không chỉ riêng Fitch mà một số tổ chức quốc tế khác như IMF cũng cho rằng Việt Nam cần kiểm soát quy mô và chất lượng tín dụng để đảm bảo hệ thống lành mạnh hơn.
Theo ông Lực, quy mô tín dụng của Việt Nam đạt khoảng 130% GDP vào cuối năm 2017 và dự báo tăng lên 137-138% GDP năm nay. Ngoài ra, tỷ lệ an toàn vốn hiện khá thấp trong bối cảnh tín dụng tăng 15-16% và vốn chủ sở hữu ngân hàng chỉ tăng 8-9%. Khi hệ số an toàn vốn thấp, sẽ khó đáp ứng chuẩn Basel II thời gian tới.
Trong báo cáo về thị trường tiền tệ tháng 9/2018, bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI cũng nêu rõ chênh lệch tín dụng/GDP của Việt Nam đã liên tục tăng từ mức âm trong năm 2014 lên 30% trong năm 2018. Đây là mức cao so với mặt bằng chung của các nước trên thế giới và trong khu vực. Tỷ lệ này của Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc năm 2017 lần lượt là 6,1%, 6,8%, 12,7% và -2,4%. Tỷ lệ tín dụng/GDP cao là một chỉ báo cho thấy rủi ro cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010.
Trong bối cảnh CPI tăng 3,2% trong 9 tháng đầu 2018, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, các chuyên gia của SSI Retail Research cho rằng rủi ro lạm phát chi phí đẩy là đã rõ trong môi trường lãi suất và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng.
“Giá dầu thô đã tăng 60% chỉ trong 1 năm và tỷ giá diễn biến khó lường là những nhân tố bên ngoài rất khó kiểm soát, nên chính sách ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát trong nước cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tăng trưởng tín dụng vì vậy cần được kiểm soát chặt nhằm giảm bớt lượng sức ép thanh khoản, thu hẹp chênh lệch tín dụng/GDP và giữ lạm phát ở mức hợp lý”, SSI phân tích.
Vỹ An (Tổng hợp)