Sau hơn 1 tháng tăng lãi suất tiền gửi, một số ngân hàng thương mại đã chính thức gửi thông báo tăng lãi suất cho vay tới các doanh nghiệp với mức tăng khoảng 0,3%/năm.

Theo VTV News, Công ty Cổ phần Tôn Mát ngày 12/12 đã nhận được thông báo của ngân hàng về việc tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn thêm 0,3%/năm lên 7,8%/năm.

Nhận được thông báo, doanh nghiệp lập tức gọi cho cán bộ tín dụng của ngân hàng hỏi lý do bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nếu tăng lãi suất vay đột ngột, mọi kế hoạch kinh doanh sẽ phải tính toán lại.

Cũng theo doanh nghiệp này, nếu tăng lãi suất thêm 0,3%/năm, với dư nợ hiện tại, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm khoảng 700 triệu đồng/tháng. Đây là gánh nặng tài chính không hề nhỏ.

Trước đó, từ đầu tháng 10, nhiều ngân hàng thương mại lớn, nhỏ đã đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm từ 0,1-0,7%/năm tùy kỳ hạn.

Nếu vài tháng trước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài chỉ trong khoảng 6,5-8%/năm là phổ biến, thì nay mức lãi suất 8,5-8,7%/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường ghi nhận đến thời điểm này là 8,9%/năm sau khi áp dụng các gói sản phẩm, chương trình cộng thêm lãi suất.

Trước cuộc chạy đua lãi suất huy động, giới phân tích cho rằng việc lãi suất cho vay tăng sớm muộn cũng xảy ra, đặc biệt vào cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.

Liên quan đến động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua, chia sẻ trên Người lao động ngày 12/12, một lãnh đạo cấp vụ Ngân hàng Nhà nước khẳng định các ngân hàng chỉ tăng lãi suất huy động, nếu tăng cả lãi suất cho vay ở mức bất hợp lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ “tuýt còi”.

Vị lãnh đạo này lý giải rằng dù tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát và một số ngân hàng đã hết hạn mức cho vay, nhưng ngân hàng nào cũng cần huy động nguồn đầu vào để dự phòng. Hơn nữa, dịp cuối năm, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu chi tiêu, chi lương thưởng sẽ rút khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm… nên ngân hàng thương mại phải huy động vốn để bù đắp, dự phòng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng tăng lãi suất tiền gửi là một trong những giải pháp thu hút nguồn tiền từ thị trường. Sang đầu năm sau sẽ có sự điều chỉnh, chứ không phải lãi suất tăng vì thiếu thanh khoản. Quan trọng nhất với thị trường là lãi suất cho vay ổn định. Ngân hàng nào tăng lãi suất huy động sẽ phải tự tính toán, cân đối nguồn lực tài chính để bảo đảm nguồn vốn, thanh toán, chứ không được phép tăng lãi suất cho vay quá cao.

(Tổng hợp)