Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 18/8 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Lũ sông Mã dâng cao, hàng nghìn người dân ở TP. Thanh Hóa phải sơ tán

, đến 10 giờ ngày 18/8, đã có 6.354 người dân ở TP. Thanh Hóa phải sơ tán vì nước sông Mã dâng cao gây ngập lụt. Chính quyền thành phố Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục tổ chức sơ tán dân.

Đường bị ngập sâu nhưng người dân phải lội ra ngoài tìm lương thực. (Ảnh: Thanh Niên)

Ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch TP. Thanh Hóa cho biết trên báo Thanh Niên, đến 10 giờ sáng nay (18/8), toàn thành phố đã phải tổ chức sơ tán khoảng 1.700 hộ dân với 6.354 khẩu ở các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, Hoằng Anh, Hoằng Long, phường Đông Hải và phường Tào Xuyên của thành phố đến nơi an toàn.

Nhiều nơi ở TP. Thanh Hóa ngập sâu từ 2-3 m (Ảnh: Thanh Niên)

“Do nước sông Mã liên tục dâng, từ chiều tối ngày 17/8, chúng tôi đã phải tổ chức hàng trăm người để giúp người dân sơ tán tài sản và đưa người vào khu vực nội đê cũng như những nơi cao ráo hơn. Đến 11 giờ hôm nay (18/8), nước sông Mã đang tiếp tục dâng, chúng tôi đang tiếp tục sơ tán dân để tránh nguy hiểm”, ông Xuân nói.

Hơn 6.000 người ở TP. Thanh Hóa đã phải sơ tán và đang tiếp tục sơ tán. (Ảnh: Thanh Niên)

Dọc tuyến đê sông Mã, do tình hình cấp bách, nhiều hộ phải đưa vật dụng của gia đình lên bờ đê che bạt tránh lụt. Khu vực dân cư nơi ngập nặng nhất từ 2-3 m, nơi cao hơn ngập từ 0,5-1 m.

Một người dân ở TP. Thanh Hóa chạy lụt. (Ảnh: Thanh Niên)

Ông Trường Văn Viết (86 tuổi, ngụ tại thôn 8, xã Thiệu Dương) cho biết, ông phải nhờ con cháu thu dọn đồ đạc trong gia đình và dùng thuyền đưa ông vào một nhà người thôn ở nội đê để tránh lụt.

“Nước lên nhanh quá lại vào thời điểm đêm tối nên việc sơ tán người và tài sản vất vả lắm. Giờ khổ nhất là thiếu nước sạch, thiếu lương thực nên chúng tôi phải ăn tạm mì tôm”, ông Viết nói.

Nhiều hộ dân phải để tài sản trên đê. (Ảnh: Thanh Niên)

Đến trưa 18/8, các con đường dẫn vào khu vực 7 thôn ngoại đê của xã Thiệu Dương đã chìm trong nước, sâu từ 1,5-2 m. Ngoài những hộ sơ tán người vào trong nội đê, nhiều gia đình vẫn bám trụ lại trên tầng 2 tầng 3 ngôi nhà.

Người dân dùng thuyền đưa lợn ra khỏi vùng ngập lụt ở TP. Thanh Hóa. (Ảnh: Thanh Niên)

Do thiếu nước sạch, lương thực và không đủ thuyền để ra vào, nhiều người phải đánh cược tính mặng mình lội từ vùng ngập ra ngoài để mua lương thực.

Ngoài ra, dọc tuyến sông Mã chảy qua địa bàn các huyện Bá Thước, Vĩnh Lộc nước dâng cũng gây ngập phải sơn tán hơn 600 hộ dân (huyện Bá Thước 102 hộ, huyện Vĩnh Lộc hơn 500 hộ).

Hoa sen tuyết 7 năm mới nở 1 lần, giới nhà giàu bỏ tiền triệu mua về làm quà

Là fan của những bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc, anh Mạnh Thắng (Q. Long Biên, Hà Nội) luôn nghĩ hoa sen trên núi tuyết chỉ có trong truyền thuyết, nên khi biết loại hoa này được bán trên thị trường, anh Thắng đã săn lùng để mua bằng được để biếu bố mẹ dùng.

Anh Thắng chia sẻ trên Báo Lao Động, tuyết liên hoa sống ở trên những dãy núi đá vùng Tân Cương, Tây Tạng, cao tới hơn 4.000m, tuyết trắng bao phủ quanh năm. Sống vùi trong tuyết khoảng 7 năm tính từ lúc nảy mầm, sen mới cho ra hoa.

Hoa tuyết liên đang được nhiều người săn lùng vì độ quý hiếm. (Ảnh: Rensheng2)

Theo giới thiệu của một số người chuyên bán hoa sen núi tuyết (hay còn gọi hoa thiên sơn tuyết), loại này là loại thảo dược quý, có rất nhiều công dụng như tăng cường sinh lực, chống ung thư, mệt mỏi, chống lão hoá, làm đẹp…

Trao đổi với Báo Người Lao Động, chị Hải Yến (quận Đống Đa, Hà Nội) một người nhận đặt tuyết liên cho biết, trên thị trường hiện nay có 3 loại: Tuyết liên mọc tự nhiên ở Tân Cương, Tây Tạng (Trung Quốc); loại trồng ở vùng Bhutan thuộc dãy Himalaya và một loại do người dân tự trồng.

Tuyết liên vùng Bhutan dãy Himalaya. (Ảnh: Người Lao Động)

Tùy theo xuất xứ giá bán của những bông tuyết liên cũng rất khác nhau. Loại tuyết liên mọc tự nhiên trên núi Tân Cương là đắt nhất.

Loại tuyết liên được trồng ở vùng Bhutan đang có giá giá 2,5 triệu/10 gram rẻ bằng 1/10 tuyết liên mọc tự nhiên ở vùng Tân Cương. Tuyết liên người dân tự trồng (thường trồng ở vùng Tân Cương), giá dao động khoảng 4-5 triệu đồng/bông khoảng 30 gram.

Trao đổi với Vietnamnet, chị Nguyễn Thị Hà Phương chủ một cửa hàng rượu ngoại ở Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị từng đặt mua 50 bông tuyết liên với giá 250 triệu đồng để vừa dùng làm trà uống hàng ngày, vừa để tặng khách hàng VIP của cửa hàng. Chia ra, giá của thiên sơn tuyết liên lên tới 100 triệu đồng/kg.

Hoa tuyết liên đang có giá bán 4-5 triệu đồng/bông chỉ vài chục gram. (Ảnh: Vietnamnet)

Loại hoa này chỉ mọc ở những vách núi đá có độ cao trên 4.000m so với mực nước biển ở vùng Tân Cương hoặc Tây Tạng (Trung Quốc). Thế nhưng, điều đặc biệt khiến thiên sơn tuyết liên được liệt vào danh sách thảo dược quý hiếm không thua gì nhân sâm là bởi từ khi nảy mầm đến khi nở hoa là 7 năm trời, tuổi thọ hoa kéo dài tới 8 tháng và chúng nở hoa trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C, tuyết phủ trắng các đỉnh núi.

Thực tế, từ năm 1996, thiên sơn tuyết liên được xếp vào nhóm bảo vệ thực vật cấp hai ở Trung Quốc. Năm 2000, chính quyền nước này ban hành văn bản, nhấn mạnh không được phép đào hoặc ngắt trộm tuyết liên hoang dã. Năm 2007, chính quyền Tân Cương cũng tuyên bố loài hoa trắng mọc trên núi tuyết này là thực vật bảo vệ cấp quốc gia. Việc khai thác tuyết liên phải trong vùng quy hoạch, do cơ quan quản lý thực vật hoang dã cấp phép.

Tuyết liên mọc trên đỉnh núi Thiên Sơn. (Ảnh: Ts.cn)

Đắt đỏ, quý hiếm là thế, nhưng công dụng của loại hoa này có thực sự là “thần dược” hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Việc kiểm soát khai thác và độ hiếm đã khiến giá tuyết liên trên thị trường vô cùng đắt đỏ. (Ảnh: VnExpress)

Chị Ngọc Hương (sống tại quận Hoàn Kiếm) cho biết từng đặt 30 gram sen tuyết giá 75 triệu đồng để chữa viêm khớp cho bố chồng. Thế nhưng dù dùng đều thì sau khi hết số tuyết liên bệnh của bố chồng chị vẫn không thuyên giảm.

“Nhiều loại thuộc hàng hiếm, bổ dưỡng, khâu chăm sóc, thu hoạch cũng rất khắt khe mà không đắt đến vậy. Bỏ số tiền quá lớn để mua về pha trà uống theo tôi rất lãng phí”, chị Hương cho hay.

Bên cạnh đó, vì là hàng quý hiếm, giá lại cao nên tuyết liên cũng không tránh khỏi bị làm giả.

Ngoài ra, rất khó để nhận biết hoa trồng và hoa tự nhiên trên núi. Vì vậy, người mua hàng cần tỉnh táo, lựa chọn địa chỉ mua tin cậy. Bao bì, nhãn mác của sản phẩm cũng chỉ bằng tiếng Trung, bạn nên nhờ người biết tiếng đọc thêm các thông tin về thời gian thu hái, cách thức trồng, thu hái và đóng gói in trên mỗi hộp sản phẩm.

Cho học sinh nghỉ thứ bảy: Nhiệm vụ bất khả thi?

Tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông cân nhắc không tổ chức dạy học vào thứ bảy. Ý kiến này đã thu hút sự chú ý của nhiều người, từ giáo viên, học sinh đến chuyên gia giáo dục.

Cho học sinh nghỉ thứ bảy: Nhiệm vụ bất khả thi?
Mong muốn được nghỉ dạy và học ngày thứ 7 hết sức chính đáng nhưng không phải trường nào và ở đâu cũng thực hiện được. (Ảnh: Báo Dân Sinh)
Cho học sinh nghỉ thứ bảy: Nhiệm vụ bất khả thi?

Nhiều trường sắp xếp lịch học thứ bảy là hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa… (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Theo Dân Trí, nhiều trường ở TP. HCM từ lâu đã không học vào thứ bảy mà dành thời gian này để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ… Tương tự tại Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) cũng đã “nói không” với việc học chính khóa vào cuối tuần. Học sinh được học 2 buổi/ngày. Thứ bảy, chủ nhật nếu có chỉ dành cho các hoạt động thể chất, ngoại khóa tự chọn theo sở thích của mỗi em.

Tuy nhiên, với các trường không đủ điều kiện vật chất, đặt biệt ở vùng nông thôn thì đề xuất trở nên vô cùng “xa xỉ”. Để có ngày thứ bảy thảnh thơi, không lo nghỉ đến việc dạy và học thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là trường phải đảm bảo về cơ sở vật chất, thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Trong khi đó, hầu hết các trường học ở nông thôn chưa xếp được lịch học như vậy nên để được nghỉ ngày thứ bảy là điều không tưởng.

Cho học sinh nghỉ thứ bảy: Nhiệm vụ bất khả thi?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đề xuất cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7 không phù hợp với đại đa số gia đình, nhà trường. (Ảnh: Lao Động)

GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông trao đổi với Báo Lao Động, so sánh chương trình giáo dục Việt Nam với các nước phát triển, riêng khối Tiểu học và THCS chúng ta hụt khoảng 1.500 giờ học, chưa kể THPT. Sự chênh lệch xuất phát từ việc học sinh nước ngoài đều học cả ngày, còn chúng ta chưa đủ điều kiện nên chỉ có thể học 1 buổi/ngày.

Nếu rút ngắn thời gian học sẽ xảy ra 2 khả năng: Thứ nhất, phải cắt giảm chương trình dẫn đến thiếu hụt kiến thức so với thế giới. Nếu thế bằng tốt nghiệp phổ thông của ta sẽ không được các nước công nhận, học sinh du học sẽ gặp khó khăn. Thứ hai, nếu thực hiện đủ chương trình với khối lượng kiến thức tương đương việc quá tải là điều chắc chắn xảy ra.

“Tôi e rằng ý kiến này chỉ phản ánh mong muốn của một số gia đình trung lưu, những gia đình có điều kiện muốn con nghỉ học thứ bảy để đi du lịch, hoặc gia đình làm nghề tự do, công chức nhà nước được nghỉ thứ bảy. Còn đưa ra số đông chắc chắn sẽ có ý kiến ngược chiều bởi phần lớn gia đình Việt Nam bố mẹ là những người lao động nên phải đi làm cả thứ bảy”, GS Thuyết nói.

Công nhận việc học sinh nghỉ học ngày thứ bảy sẽ giúp các em có thêm thời gian tham gia vào các hoạt động của gia đình, xã hội nhưng nhiều trường lại tỏ ra e ngại về tính khả thi của đề xuất này. Bà Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng Trường THCS -THPT Lương Thế Vinh (TP. HCM) cho biết, xét về mặt lý thuyết, phía trường ủng hộ việc không dạy học thứ bảy để học sinh, giáo viên có thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt với gia đình nhưng thực tế không phải cứ muốn là được. Nhiều trường vì áp lực sĩ số lại thiếu cơ sở vật chất nên không thể tổ chức học 2 buổi/ngày. Thậm chí ở bậc tiểu học nhiều trường từ 2 buổi, phải rút xuống 1 buổi để đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Đồng tình với ý kiến trên, Hiệu trưởng trường THPT Đông Anh (Hà Nội) – ông Nghiêm Quý Bình cho rằng, khó có thể cho học sinh nghỉ thứ bảy bởi phân phối của Bộ GD&ĐT yêu cầu 29,5 tiết/tuần, nếu nghỉ sẽ rất khó hoàn thành chương trình. Việc nghỉ thứ bảy có thể chỉ phù hợp với những trường đủ phòng học để sắp xếp học chính khóa cả sáng và chiều, những trường chưa có đủ điều kiện phải chia ca học thì rất khó.

Cho học sinh nghỉ thứ bảy: Nhiệm vụ bất khả thi?
Cơ sở vật chất tại trường nông thôn không thể đáp ứng việc học 2 buổi/ngày. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Về phía giáo viên, họ luôn mong muốn được nghỉ, đặc biệt cô giáo có con nhỏ nhưng thực tế nếu trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, thì từ đầu giờ sáng, giáo viên phải tới để phụ trách. Ngoài ra, thứ bảy cũng là ngày mà giáo viên chủ nhiệm đi tìm hiểu, đến các gia đình học sinh để vận động các em đến trường trong vài trường hợp đặc biệt; dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu; dạy bù do nghỉ lễ, mưa lũ…

Có thể nói, từ phụ huynh, học sinh đến nhà trường ai cũng muốn bảo vệ quyền lợi của riêng mình nhưng điều kiện thực tế lại không cho phép. Trước mắt, khi chưa có quyết định cụ thể, các trường có thể linh hoạt thay đổi miễn sao đảm bảo được chương trình giáo dục.

Cú sốc Malaysia hạ Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo sẽ tính sao cho Olympic Việt Nam?

Theo báo Thể Thao Thanh Niên, sau khi vào đến tứ kết giải U.23 châu Á, Malaysia đã làm tiếp một cơn chấn động khác khi quật ngã Hàn Quốc 2-1.

Theo kết quả phân nhánh vòng knock-out đã được BTC ASIAD 2018 công bố, nhất bảng E sẽ gặp đội nhì bảng D. Nhì bảng E gặp đội đội nhất bảng F. Malaysia chắc chắn sẽ gặp đội thua trong cặp đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đội thắng ngày 19/8, tức xếp đầu bảng D, sẽ gặp đội xếp hạng 3 của một trong 3 bảng B, E, F. Xét về lý thuyết, Hàn Quốc hoàn toàn có thể có tên trong nhóm này.

Ngoài ra, xét theo tình thế của các bảng thì đối thủ tiềm tàng của đội nhất bảng D có thể là Thái Lan, Qatar, Bangladesh (bảng B), Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Bahrain (bảng E), Iran, Ả Rập Xê Út, CHDCND Triều Tiên hay Myanmar (bảng F).

Theo kết quả này, thì quả thật chọn lựa tốt nhất cho Olympic Việt Nam lại là nhì bảng D, gặp đối thủ Malaysia được xem là “vừa cân” quen thuộc trong khu vực Đông Nam Á.

Nhiều khả năng các trụ cột của Olympic Việt Nam sẽ được cho nghỉ ở lượt đấu cuối gặp Nhật Bản sau khi Hàn Quốc thua sốc Malaysia

Đây có thể xem là món quà trên trời rơi xuống cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Về mặt logic, sẽ không bất ngờ nếu Olympic Việt Nam bước vào trận gặp Nhật Bản với nhiều xáo trộn. Chúng ta chắc chắn cầm vé và những trụ cột đã đá liền 2 trận như Anh Đức, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đình Trọng, Văn Thanh… sẽ cần được nghỉ ngơi.

Trận đối đầu ở lượt đấu cuối giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhiều khả năng sẽ không còn gay cấn như kỳ vọng

Nghe có vẻ mất hay, nhưng đó là điều những ông lớn thế giới vẫn làm tại EURO và World Cup. Gần nhất, Pháp đã làm như thế trong trận hòa 0-0 với Đan Mạch. Họ thực dụng, bảo toàn lực lượng và thể lực cho những trận đấu khắc nghiệt hơn phía sau, để sau đó đi thẳng một mạch đến ngôi vô địch World Cup 2018.

Malaysia dù sao vẫn là đối thủ quen thuộc. Chúng ta có đầy đủ thông tin về họ. Gặp Malaysia, xét ra là con đường ẩn chứa ít rủi ro nhất nếu so với các hướng đi còn lại. Trong trường hợp gặp Malaysia ở vòng 16 đội, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ di chuyển đến Bogor để chuẩn bị cho trận đấu diễn ra vào lúc 19 giờ 30 ngày 24.8.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều niềm vui!

———–

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News