Trong vòng 6 tháng gần đây, đất ở các khu vực nội đô Hải Phòng đồng loạt tăng giá, nơi ít cũng tăng 30%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.

Theo Pháp luật Tp.HCM, hiện đất ở các khu dân cư, các dự án tái định cư trong đô thị ở Hải Phòng đang có mức giá “nóng sốt” nhất khi đồng loạt tăng gấp đôi so với năm 2017. Nhiều khu đất “đắp chiếu” kéo dài nay bỗng bừng tỉnh, mau chóng mọc lên những dãy nhà mới.

Gia đình anh M. (trú phường Hàng Kênh, quận Lê Chân) năm 2017 mua lô đất rộng 58 mét vuông ở khu tái định cư Xi Măng (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) với giá 18 triệu đồng/mét vuông. Ban đầu anh M. định xây nhà ở, nhưng vài tháng sau do thay đổi công việc nên anh để đất trống. Mới đây, do cần tiền nên anh rao bán lô đất. Kết quả, chưa đầy một tuần sau khi rao bán, đã có khách chốt giá 33 triệu đồng/mét vuông.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy đất trong khu tái định cư Xi Măng phần nhiều đã xây nhà, chỉ còn một vài lô đất trống. Đối với đất nằm sâu trong đường nhánh có giá khoảng 32 triệu đồng/mét vuông những chỗ gần khu chợ đầu mối mức giá cao nhất 36 triệu đồng. Con số này tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2017.

Đến lượt Hải Phòng 'sốt' đất: Tăng giá gấp đôi, rao là bán được ngay
Nhiều khu đất “đắp chiếu” nhiều năm ở Hải Phòng, nay bỗng “bừng tỉnh” với nhiều dãy nhà mới. (Ảnh: Pháp luật Tp.HCM)

Anh M., chủ một sàn môi giới đất trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải An), cho biết đất mặt đường Lê Hồng Phong, đoạn gần sân bay Cát Bi, trước đây khoảng 25-30 triệu đồng giờ đã lên khoảng 50 triệu đồng/mét vuông.

Những lô đất tuyến 2 đường Lê Hồng Phong, gần ngã tư BigC, ngày trước rao hơn chục triệu đồng không ai hỏi, giờ cũng vọt lên 30 triệu đồng dù hiện trạng vẫn chỉ là khu đất trống, chưa có hạ tầng.

Tại khu vực Đằng Lâm, Đằng Hải, quận Hải An, nơi quỹ đất xây dựng còn khá nhiều, các lô đất ở cũng tăng giá chóng mặt sau Tết nguyên đán.

Ông Văn, Giám đốc sàn bất động sản Văn Minh, xác nhận giá đất ở Hải Phòng trong khoảng 6 tháng gần đây đồng loạt tăng. Nơi ít cũng tăng 30%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi.

Theo ông Văn, sở dĩ các lô đất nền có diện tích nhỏ thuộc các dự án đô thị, tái định cư đang có hiện tượng sốt giá là do có không ít người dân sống ở những ngõ hẹp trong trung tâm Hải Phòng nay muốn chuyển sang nơi ở mới khang trang hơn và có chỗ để ô tô. Những khu tái định cư như Vĩnh Niệm, ngoài hạ tầng đô thị tốt còn gần siêu thị, trường học, bệnh viện đẳng cấp nên rất nhiều người săn tìm.

Tuy nhiên, ông Văn lưu ý tình trạng đất đai tăng giá ở Hải Phòng cũng đang có dấu hiệu sốt ảo giống như thời kỳ trước năm 2010. Ông Văn cho rằng việc nhiều người đổ xô bỏ tiền vào mua đất ở Hải Phòng là hiện tượng bất thường và rất rủi ro cho những người ham giàu “ôm to” bởi một khi bong bóng bất động sản xẹp nguy cơ ngậm trái đắng rất cao.

Trước tình trạng hiện nay ở nhiều địa phương giá đất tăng đột biến, thậm chí nhiều khu vực tăng không có quy luật, không theo sự phát triển của hạ tầng, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng “sốt đất” thường có nhiều nguyên nhân như về kinh tế, tâm lý, xã hội…

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Nghĩa cho biết trên thế giới đất là loại hàng hóa đặc biệt chỉ có thể giảm đi chứ không tăng lên. Dân số ngày càng tăng, đất bao giờ cũng là tài nguyên khan hiếm. Do vậy những khu vực phát triển, nhu cầu về đất tăng lên sẽ đẩy giá đất tăng.

Mặt khác, kinh tế tăng trưởng, người dân có mức thu nhập khá giả có nhu cầu của cải để dành. Nếu vàng, ngoại tệ và chứng khoán không “đáng tin” thì người dân sẽ chọn kênh tích lũy đất.

Tuy nhiên ngoài những nguyên nhân trên, tại Việt Nam, chính cách quản lý của Nhà nước chưa tốt góp phần làm giá đất tăng lên đột biến.

Cụ thể, tại Việt Nam, các bước thực hiện quy hoạch chưa minh bạch, không có đầy đủ thông tin cho người dân. Thiếu minh bạch dẫn đến thiếu cạnh tranh công khai, hai yếu tố này tạo nhiều cơ hội thao túng những giá trị tăng thêm ẩn sau thông tin.

Bên cạnh đó, TS Nghĩa cho rằng nhiều chính sách của Nhà nước phân bổ giá trị tăng thêm của đất đai chưa công bằng, đầu tư của Nhà nước có thể mang lại lợi ích cho ít người, nhiều người dân bị loại ra khỏi lợi ích đó. Tất cả những điều đó dẫn đến đầu cơ, những cuộc đổ xô vào gom, tích trữ đất.

Nguyễn Trang