Nhiều chuyên gia khẳng định, cỏ kế đồng không có độc tố gây hại cho người, còn ảnh hưởng với cây trồng ở Việt Nam hay không thì chưa thể kiểm chứng được.

Sau khi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu doanh nghiệp tái xuất các lô hàng lúa mì được kiểm định có nhiễm cỏ kế đồng, nhiều người băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm với các sản phẩm có chứa bột mì.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm đến nay, trong số gần 4 triệu tấn lúa mì đã nhập khẩu vào Việt Nam có 1,6 tấn bị nhiễm cỏ kế đồng. Lượng lúa mì nhập khẩu có khoảng 75% phục vụ chế biến thực phẩm, 25% sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Bảo vệ thực vật, trao đổi với VnExpress, cỏ này không hại cho sức khỏe con người, không mất an toàn thực phẩm mà chỉ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, nguy cơ ảnh hưởng môi trường nông nghiệp và lúa gạo xuất khẩu.

TS. Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho VTC News biết, cây kế đồng chỉ cạnh tranh về mặt dinh dưỡng với cây khác và không có độc tố gây hại cho người. Còn cây có gây hại cho lúa nước hay cây trồng khác không thì chưa thể kiểm chứng được.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP. HCM cho rằng, tỷ lệ hạt kế đồng trong hạt lúa mì không phải là nhiều và chưa đủ để gây hại.

co ke dong lan trong hang trieu tan lua mi vao viet nam khong co doc to gay hai cho nguoi
Cho rằng lúa mì nhập khẩu có chứa cây kế đồng, 1 loại cỏ dại cỏ độc nên Cục Bảo vệ Thực vật đã có lệnh cấm nhập khẩu. (Ảnh: VTC News)

Lệnh cấm bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế, trong khi nhu cầu về bột mì rất cao.

Cũng theo bà Lan, trước khi đưa ra một quyết định cấm nhập hay xuất khẩu thì cần phải có quá trình nghiên cứu định lượng, định tính, chứ chưa rõ gì về độ độc hại mà cấm thì rất mông lung và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Bột mì An Bình, khi chưa khẳng định được loại cỏ đó gây hại thì không nên cấm. Bởi để có một sản phẩm từ lúa mì phải xây dựng công thức từ rất lâu, nếu lệnh cấm được thực hiện thì doanh nghiệp xoay chuyển không kịp, gây thiệt hại lớn.

Trước việc Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị tái xuất lại những lô lúa mì đã nhập theo diện kiểm dịch thực vật, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng điều này là không khả thi. “Thay vì tái xuất ngược lại thì có thể dùng để làm thức ăn cho gia súc. Hơn nữa, nếu không nhập lúa mì của nước ngoài thì việc xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ gặp rào cản tương tự”, vị này nói.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Khả năng tái sinh của cỏ kế đồng. (Video: VnExpress)

Cỏ kế đồng (Cirsium Arvense) thuộc dạng cây phân tính, hoa đầu mọc thành cụm chùm bông ở ngọn, có hoa đực và hoa cái mọc trên đầu riêng rẽ. Hoa rất nhiều, có từ 1-5 hoa trên mỗi nhánh.

Quả hình thuôn dẹt, thẳng hoặc hơi cong, nhẵn bóng, có rãnh chạy dọc, ở giữa đỉnh của hạt lồi lên dạng hình chóp. Đỉnh hạt có túm lông màu trắng nhưng đôi khi có màu nâu, dạng lông chim, dài 2 mm, dễ rụng.

Cây kế đồng phân bố ở châu Âu, châu Á, châu Phi; Bắc Mỹ và châu Đại Dương.

Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo cho các nước đang xuất khẩu lúa mì vào Việt Nam như: Nga, Mỹ, Canada, Úc… khắc phục, rà soát các lô hàng để tránh nhiễm cỏ kế đồng. Ngày 17/10, Cục sẽ tổ chức hội thảo để làm rõ thông tin về loài cỏ gây hại này.

Thế Tam (Tổng hợp)