Chứng khoán Trung Quốc đại lục đang trở thành thị trường hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay, một dấu hiệu thể hiện những lo ngại của giới đầu tư đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, mức độ tồi tệ sẽ chưa kết thúc chừng nào cuộc chiến thương mại giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington chưa dừng lại.

Một ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc khai hỏa một cuộc chiến thương mại, các chỉ số chứng khoán đang dẫn đầu danh sách những thị trường hoạt động tồi tệ nhất thế giới.

Cụ thể, hãng tin CNBC cho biết chỉ số Shanghai Composite Index giảm 23% kể từ mức đỉnh đạt được ngày 24/1, còn chỉ số Shenzen giảm 22%. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 mới giảm 5% kể từ mức đỉnh ghi nhận ngày 26/1.

Chứng khoán Trung Quốc đang giảm mạnh nhất thế giới, nhưng có thể chưa dừng ở đó
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất từ đầu năm (tính đến hết ngày 6/7). (Nguồn: Indexq)

Sự sa sút của thị trường cổ phiếu Trung Quốc diễn ra ngay cả trước khi quyết định đánh thuế của Mỹ trị giá 34 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 6/7, phát súng khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong đợt đánh thuế lần này, Mỹ nhắm 818 mặt hàng, từ thiết bị nông nghiệp cho đến thiết bị bán dẫn và các linh kiện máy bay nhập khẩu từ Trung Quốc.

Liên quan đến việc giải quyết vụ xung đột thương mại này, các chiến lược gia của ngân hàng Wells Fargo nhận định rằng có 80% khả năng các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian rất lâu, và điều đó sẽ khiến cho thị trường chứng khoán Trung Quốc còn tiếp tục chịu áp lực.

“Kịch bản cơ bản mà chúng tôi đưa ra là: Hãy thắt chặt dây an toàn,” chiến lược gia Peter Donisanu của Wells Fargo khuyến nghị các nhà đầu tư, cho rằng cuộc đàm về thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kéo dài và căng thẳng thương mại có thể sẽ biến thành một cuộc chiến toàn diện.

Sau khi Mỹ chính thức áp mức thuế 25% đối với hàng nhập của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố đáp trả với quy mô tương đương và có hiệu lực ngay từ ngày 6/7.

Chứng khoán Trung Quốc đang giảm mạnh nhất thế giới, nhưng có thể chưa dừng ở đó
Mỹ áp mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa. (Ảnh: Shutterstocks)

Theo chiến lược gia Donisanu, cuộc chiến thương mại leo thang sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng kinh tế vốn đang giảm tốc của Trung Quốc.

“Đà tăng trưởng vốn đã chậm lại có thể còn sa sút hơn nữa và dẫn đến một loạt những lo ngại mà chúng ta đang cảm nhận, rằng kinh tế Trung Quốc sẽ rơi khỏi vách đá.”

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu do một cuộc chiến thương mại có thể tác động đến tất cả những nước làm ăn với nó.

Chiến lược gia Donisanu cho rằng mối lo ngại lớn là điều gì sẽ xảy ra tiếp nếu Mỹ tiếp tục tiến hành áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh trả đũa gói đánh thuế thứ nhất từ Washington.

Có lẽ không chỉ 200 tỷ USD, Tổng thống Donald Trump trong một phát biểu với các phóng viên ngày 5/7 (giờ Mỹ) còn cảnh báo rằng tổng giá trị các thuế có thể sẽ lên đến 550 tỷ USD, vượt xa kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hàng năm của Mỹ từ Trung Quốc.

Kể từ đầu năm nay, quan hệ thương mại Mỹ – Trung đã đi từ đe dọa đánh thuế cho đến hiện thực, rồi lại đến đe dọa.

Lo ngại chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để tăng cường cho vay.

Và trước tình trạng căng thẳng leo thang, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã một chủ đề để phỏng đoán khi đồng tiền này gần đây đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Diễn biến đó đã tạo ra đồn đoán rằng Trung Quốc có thể đang cố ý phá giá đồng Nhân dân tệ để giành “cửa trên” nếu hàng hóa nước này tiếp tục bị đánh thuế.

Tuy nhiên, chiến lược gia Dylan Riddle của hãng IFF cho rằng đồng Nhân dân tệ giảm giá gần đây là do sau khi đã được giữ ở mức quá cao, và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kích hoạt đợt giảm giá của đồng tiền này.

Nhiều chiến lược gia tiền tệ cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không dùng Nhân dân tệ làm vũ khí, do đó kịch bản phá giá tiền tệ khó có thể xảy ra, vì nếu xảy ra nó sẽ khiến dòng tiền rời khỏi Trung Quốc.

Trang tin SCMP dẫn lời một số chuyên gia phân tích nhận định mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường hiện nay là không thể đoán trước được cuộc chiến thương mại sẽ diễn biến theo chiều hướng nào và mức độ leo thang của nó sẽ đến đâu.

Minh Tuệ