Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến các doanh nghiệp Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để né thuế khi xuất khẩu vào Mỹ, gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và thương hiệu của Việt Nam.  

Nỗi lo trên không phải là không có cơ sở khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam, trong khi ngành gỗ Trung Quốc đang bị áp mức thuế cao từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, ông Trần Việt Tiến – Thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết hiện tại có một số công ty Trung Quốc đang đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam, cho nên cộng đồng doanh nghiệp Việt đang lo sản phẩm gỗ Trung Quốc có thể giả danh xuất xứ để xuất khẩu hàng vào Mỹ.

Dĩ nhiên, Việt Nam chỉ là một trong số nhiều nước khác trong khu vực trở thành điểm đến của các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng tỏ ra lo lắng khi Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn vào Mỹ, nên việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu sẽ khiến mặt bằng giá của nhóm sản phẩm này tăng, kéo theo sức mua giảm. Việt sản phẩm gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng quá cao có thể gây bất lợi về lâu dài vì Mỹ có thể đặt ra các hàng rào kỹ thuật, thuế quan đến sản phẩm từ Việt Nam.

Mỹ đang chiếm gần 40% thị phần sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, nên việc có bất kỳ sự tác động nào từ thị trường này sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Một doanh nghiệp nhận định, với tiềm lực tài chính lớn, các công ty nước ngoài có thể đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, khiến các doanh nghiệp trong nước bị thất thế nếu không nâng cấp máy móc, cải tiến công nghệ.

Ở phía lạc quan hơn, ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific (ở Đồng Nai), cho rằng việc giả xuất xứ đối với ngành gỗ khó và phức tạp hơn các ngành khác vì sản phẩm cồng kềnh, chi phí vận chuyển cao. Các doanh nghiệp Trung Quốc nếu làm vậy cũng khó có lợi về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thắng đặt ra vấn đề rằng nếu các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc vào và núp bóng người Việt để mở xưởng sản xuất tràn lan có thể ảnh hưởng ngay đến ngành sản xuất gỗ nội địa.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp Việt, nếu muốn giả xuất xứ, khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư mở nhà xưởng ở các tỉnh phía bắc do giá nhân công rẻ, lại gần biên giới để giảm chi phí vận chuyển.

Bộ Công thương đánh giá việc gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao đang mở ra cơ hội lớn cho hàng Việt Nam. Thực tế thời gian gần đây số lượng khách hàng từ Mỹ quan tâm đến sản phẩm gỗ của Việt Nam nhiều hơn bình thường, có thể vì họ đang muốn chuẩn bị nguồn cung thay thế.

Tuy nhiên, ông Thắng tại công ty Scansia Pacific cho rằng tiềm năng lấp chỗ trống ở thị trường Mỹ không quá lớn vì hiện tại các doanh nghiệp của Mỹ đầu tư vào ngành gỗ ở Việt Nam cũng khá nhiều.

Những người trong ngành cho biết doanh nghiệp gỗ muốn đẩy mạnh hàng xuất khẩu vào Mỹ để thế chân Trung Quốc cần tính đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu khoảng 20-30% nguyên liệu, và nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn cho Việt Nam thời gian qua lại là Trung Quốc.

Việc sử dụng gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc đồng nghĩa với nguy cơ hàng Việt Nam có thể sẽ bị đánh thuế trong bối cảnh các nước cung cấp chính cho Việt Nam đang thắt chặt quản lý, hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu.

Ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam lo hàng Trung Quốc mạo danh.
Ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam lo hàng Trung Quốc mạo danh. (Ảnh: VET)

Nỗi lo đối với ngành gỗ xuất hiện sau khi ngành thép Việt Nam cũng bị các sản phẩm thép của Trung Quốc mượn xuất xứ, dẫn đến nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu, khiến việc xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ trong tháng 6/2018 đã nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra và áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, và đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp Mỹ cáo buộc rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra.

Trước lo ngại về việc thép Trung Quốc sẽ tìm đường đi vòng sang Mỹ qua Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất thép Việt không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu các nước khác đánh thuế với thép Trung Quốc và họ lại tiếp tục đánh thuế triệt để hơn nữa vào việc lẩn tránh thuế, đó sẽ thực sự là điều đáng lo ngại.

Minh Tuệ