Chứng khoán Mỹ ngày 8/2 lại có thêm một phiên giảm mạnh, thổi bay hơn 1.000 điểm của chỉ số Dow Jones, khi lo ngại về khả năng tăng lãi suất lại bùng lên.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.032,89 điểm xuống còn 23.860,46 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 28/11/2017.
Đây là lần thứ hai trong tuần qua Dow Jones “rụng” hơn 1.000 điểm chỉ trong một ngày, sau khi để mất gần 1.200 điểm vào “ngày thứ Hai đen tối” vừa qua.
Và với việc giảm 10,4% kể từ mức cao kỷ lục đạt được trước đó 2 tuần (vào ngày 26/1/2018), chỉ số Dow Jones đã xác nhận rơi vào vùng thị trường điều chỉnh giảm.
Các chỉ số chủ chốt khác của Mỹ cũng giảm gần 4%, trong đó S&P 500 đóng cửa giảm 100,66 điểm, tức 3,8%, xuống 2.581 điểm; còn chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 274,83 điểm, tương đương 3,9%, xuống 6.777,16 điểm.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số S&P đã thủng ngưỡng trung bình động 100 ngày và xuống dưới cả ngưỡng hỗ trợ 2.600 điểm, một điểm báo xấu cho thị trường.
Theo các chuyên gia phân tích, Phố Wall giảm mạnh có nguyên nhân là do lo ngại về khả năng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ, bất chấp thị trường có những số liệu tích cực về kinh tế và kết quả kinh doanh.
“Toàn bộ đợt điều chỉnh này thực sự là vì lãi suất. Lạm phát đúng là đang tăng lên,” Stephanie Link, giảm đốc mảng quản lý quỹ của hãng TIAA nhận định, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn.
Thị trường đầu phiên đã tăng điểm sau khi số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất trong 45 năm là 221.000 đơn.
Tuy nhiên, thị trường đã quay đầu giảm mạnh sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm là 2,88%, trước khi giảm xuống 2,848%, thúc đẩy khả năng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sau khi thăng hoa vào năm ngoái và tháng 1 năm nay, giờ đây chỉ số S&P 500 đã quay sang giảm 3,5% so với đầu năm.
Chỉ số Dow Jones đang hướng tới tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.
Minh Tuệ