Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 24/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Năm 2018, Chính phủ sẽ vay 384.000 tỷ đồng, trả nợ 256.000 tỷ đồng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018. Theo đó, cơ quan điều hành dự kiến dành 256.769 tỷ đồng (gần 11,3 tỷ USD) để trả nợ, gồm trả trực tiếp 256.769 tỷ; trả nợ các dự án vay lại 18.561 tỷ đồng.

So với 2016, số nợ Chính phủ dự kiến trả năm 2018 giảm 16.531 tỷ đồng, nhưng lại tăng hơn 18.760 tỷ đồng so với năm 2017.

Để thực hiện kế hoạch này, Chính phủ dự kiến vay 384.000 tỷ đồng (khoảng 16,8 tỷ USD) để trả nợ, chủ yếu là vay trong nước 275.970 tỷ và nước ngoài 108.030 tỷ đồng.

So với dự toán ngân sách 2018 Quốc hội thông qua cuối tháng 11/2017, số vay để Chính phủ trả nợ tăng hơn 20.710 tỷ đồng.

Trong đó, khoản vay để cân đối ngân sách là 341.770 tỷ đồng; vay bù đắp bội chi là 195.000 tỷ đồng; còn lại là trả nợ gốc và vay về cho vay lại khoảng 190.000 tỷ đồng.

Chính phủ vay 384.000 tỷ đồng trả nợ năm 2018, chủ yếu là vay trong nước. (Ảnh minh họa)

Cũng theo kế hoạch, Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vay tối đa 24.430 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là 9.670 tỷ đồng.

Các dự án trong nước có hạn mức bảo lãnh vay 2.000 tỷ đồng; doanh nghiệp được vay nước ngoài tối đa 700 triệu USD có bảo lãnh Chính phủ và tự vay tự trả 5 tỷ USD. Chính quyền địa phương được vay tối đa 21.514 tỷ đồng.

Với kế hoạch vay, trả nợ, năm nay Thủ tướng giao Bộ Tài chính thực hiện, đảm bảo theo đúng kế hoạch được giao.

Theo dự toán ngân sách 2018 được Quốc hội quyết tại kỳ họp cuối tháng 11/2017, tổng mức vay của ngân sách nhà nước, gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc là 363.284 tỷ đồng.

Năm 2018 bội chi ngân sách Nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, khoảng 3,54% GDP; bội chi ngân sách địa phương 9.000 tỷ đồng, xấp xỉ 0,16% GDP.

Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 với nam và 60 với nữ

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đề ra phương án nâng tuổi nghỉ hưu, trong đó nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 65, nữ nâng lên 60 tuổi và lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Nguyễn Nam)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình và không gây sốc cho xã hội. Ví dụ như điều chỉnh tuổi hưu người lao động, trong đề án đưa 2 phương án.

  • Phương án 1: Tăng tuổi hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ và tăng mỗi năm 3 tháng;
  • Phương án 2 tăng tuổi hưu 65 đối với nam, và 60 đối với nữ và tăng mỗi năm 4 tháng.

Về việc điều chỉnh lương hưu nữ từ 1/1/2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong hội nghị bình đẳng giới, Bộ đã báo cáo tiếp thu và báo cáo Quốc hội, sau đó báo cáo Chính phủ.

“Tháng 3 vừa rồi, Tổng thư ký Quốc hội đã có ý kiến chính thức. Vì vậy, tinh thần của chúng tôi là không đề nghị sửa luật, nếu sửa luật thì phải sau khi thông qua đề án cải cách tiền lương”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh lương hưu có tác động đến 3.000 lao động nữ, con số tác động không lớn so với tổng 21.000 lao động nữ. Vì vậy, phương án hiện nay Bộ đưa ra là sẽ tính toán cấp bù để làm sao chị em đỡ thiệt hơn.

“Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 này và cố gắng thuyết phục Chính phủ đồng ý phương án cấp bù để giải quyết việc này”, Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Không cắt một chiều thuê bao chậm đăng ký thông tin sau 24/4

Theo đại diện Cục Viễn thông, ngày 24/4 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 49.

Người dân đến điểm giao dịch của Viettel để bổ sung thông tin. (Ảnh: Hoàng Hưng)

Nghị định này cũng quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao không thực hiện bổ sung đủ thông tin theo yêu cầu.

Cụ thể, với thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo. Đồng thời, thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Nếu vẫn tiếp tục chây ỳ, nhà mạng tạm dừng cung cấp dịch vụ và thông báo thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày làm việc tràn đầy năng lượng!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News