Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 27/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Kết luận vụ ‘cà phê pin’: Hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê

16h chiều ngày 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp thông tin kết quả điều tra vụ pha trộn hỗn hợp phế phẩm cà phê nhuộm dung dịch pin Con Ó tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (sinh năm 1975, ngụ thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông và ông Lê Vinh Quy – Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đồng chủ trì buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo, ông Ngô Xuân Lộc nhận định: “Đến thời điểm này, có thể khẳng định hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê”, theo Thanh Niên.

Hỗn hợp đã thu giữ không dùng để sản xuất cà phê.

Ông Lộc cũng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thông tin sau khi có kết quả điều tra tình tiết của vụ án.

Ông Lê Vinh Quy cho biết, cơ sở của bà Loan bắt đầu sản xuất hỗn hợp trên từ tháng 1/2018 và sản xuất được 3 tấn.

Sau đó, bà Loan bán 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn với giá 9.000 đồng/kg. Sau khi mua hỗn hợp trên từ bà Loan, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) với giá 12.000 đồng/kg.

Sau khi mua khối lượng 3 tấn này, bà Dung đã trộn tạp chất nhuộm pin nói trên vào hạt tiêu với tỉ lệ 18,34%, theo ĐS&PL.

Kết quả giám định cho thấy, hàm lượng tạp chất trong hồ tiêu đã đấu trộn có 18,43% hỗn hợp nhuộm pin.

Ngoài ra, với 1.350kg hợp chất còn lại, khi nghe thông tin cơ quan công an phát hiện, bà Dung đã cho người trộn với phân heo, phân lân, vôi để tiêu hủy vật chứng này. Cơ quan công an đã thu giữ tại cơ sở bà Dung 9 tấn hạt tiêu đã trộn hỗn hợp chuẩn bị mang ra thị trường.

Lõi pin và than pin đã được đập dập tại nhà bà Loan. (Ảnh: Dân Việt)

Tại buổi họp báo cũng giới thiệu các mẫu tang vật trong quá trình sản xuất pha trộn. Theo đó, than pin được đập ra hòa vào nước thành dung dịch than pin, sau đó nhuộm với sỏi, đá nhỏ (từ 0,5 đến 3mm), vỏ cà phê cho thành màu đen giống hạt tiêu. Tiếp đó, phơi, sấy khô hỗn hợp này rồi bán, trộn vào hồ tiêu.

Liên quan đến vụ việc, ngày 24/4, ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn công an tỉnh Đắk Nông cho biết, căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/4/2018, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với 5 đối tượng gồm:

  1. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (sinh năm 1975, hộ khẩu thường trú: Thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp;
  2. Ông Nguyễn Xuân Bảo (sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú: xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp);
  3. Bà Phan Thị Dung (sinh năm 1962, hộ khẩu thường trú: Khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước);
  4. Bà Lê Thị Hồng Thơ (sinh năm 1979, hộ khẩu thường trú: Thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, Đăk Nông);
  5. Trần Văn Tuấn (sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú: Thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song, Đăk Nông).

Kéo tàu chìm chở hơn 3.000 tấn quặng Apatit từ độ sâu 14m lên mặt biển Quy Nhơn

Ngày 26/4, Công ty TNHH MTV Hữu Tòng (Hà Tĩnh) đã làm nổi thành công tàu Hoa Mai 68, con tàu bị bão số 12 (cuối năm 2017) nhấn chìm dưới lòng biển Quy Nhơn, theo Lao Động.

Đã làm nổi thành công tàu Hoa Mai 68, con tàu bị bão số 12 (cuối năm 2017) nhấn chìm dưới lòng biển Quy Nhơn. (Ảnh: Lao Động)

Để đưa Hoa Mai 68 từ độ sâu 14m lên mặt nước, đơn vị thi công phải kéo tàu đến vùng biển cạn hơn, cách nơi tàu chìm gần 1km trước khi cho làm nổi.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Hữu Tòng thông tin về quy trình kỹ thuật: “Phải đưa toàn bộ hàng bị hư hỏng lên bờ, vận chuyển ra Khu kinh tế Nhơn Hội chờ xử lý. Tiếp theo, chúng tôi dùng tời cẩu tàu lên; ban đầu là phần lái, sau đó tới hầm nguội, bơm nước trong thân tàu”.

Theo kế hoạch, hôm nay (27/4), xác tàu Hoa Mai 68 sẽ được đơn vị trục vớt kéo vào khu neo đậu Cảng Quy Nhơn  để bàn giao cho chủ tàu.

Hoa Mai 68 là một trong số 10 tàu hàng, tàu du lịch bị chìm hoặc mắc cạn ở vùng biển Quy Nhơn trong bão số 12. Tại thời điểm gặp nạn, con tàu mang theo 3.095 tấn quặng Apatit và 20.000 lít dầu D.O.

Theo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, hiện vẫn còn 4 tàu chưa hoàn thành trục vớt là Biển Bắc 16, Sơn Long 08, Jupiter, Fei Yue 9.

2 nam bảo vệ liều mình nhảy sông cứu người tự tử ở Đà Nẵng

Khoảng 12h30 ngày 26/4, nhiều người lưu thông qua lại trên cầu Hòa Xuân, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng bất ngờ thấy một nam thanh niên trèo qua lan can cầu rồi nhảy xuống sông, theo Người Đưa Tin.

Một số nhân chứng thuật lại, lúc bấy giờ người thì luống cuống chưa biết xử lý thế nào, người thì la hét kêu cứu…

Từ tiếng la hét đó, anh Đào Hoàng Phương và Trà Thanh Hạnh là bảo vệ của một khu đô thị sinh thái gần đó đã nhanh chóng chạy đến.

“2 anh này rất nhanh. Họ quan sát, rồi cởi đồ bảo vệ và phối hợp cùng nhau nhảy theo cứu nam thanh niên”, một nhân chứng nói.

Khoảng gần 30 phút chiến đấu với “hà bá”, anh Phương và anh Hạnh đã tiếp cận dùng phao cứu sinh đưa nạn nhân vào bờ an toàn. Lúc này, nạn nhân đang trong tình trạng hốt hoảng và bị đuối sức.

Cùng lúc này, xe cấp cứu cũng được điều động tới để đưa nạn nhân đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Em M. được cứu sống và đưa đi cấp cứu. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Theo anh Phương, do khúc sông chảy xiết nên việc tiếp cận nạn nhân rất khó. Tuy nhiên, may mắn là nam thanh niên kia bám được vào một cột tiêu giữa sông.

“Chúng tôi chỉ biết bơi thật nhanh rồi quăng phao cho nạn nhân. Rất may là nam thanh niên đã được chúng tôi đưa vào bờ an toàn. Nạn nhân vẫn còn tỉnh là chúng tôi vui rồi”, anh Phương chia sẻ.

Được biết, nạn nhân là Hồ Văn M. (sinh năm 2000, trú xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Hiện, chưa rõ nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của M..

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày may mắn và làm việc hiệu quả!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News