Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 16/2 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau: 

Bão Sanba suy yếu, cả nước khô ráo đón chờ Giao thừa

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 19h ngày 14/02, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Pa-la-oan (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Bão Sanba suy yếu, cả nước khô ráo đón chờ Giao thừa - Ảnh 1
(Hình ảnh đường đi của bão. Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 19h ngày 15/02, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 7,5 đến 10,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Nuốt cây đinh nhọn dài khoảng 3cm, bé trai gần 2 tuổi may mắn thoát nạn

Ngày 10/2, các bác sỹ Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á cho biết, đã tiếp nhận bệnh nhi C.P. (21 tháng tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP. HCM) và tiến hành gắp cây đinh dài 3cm mắc kẹt trong khung tá tràng thành công, theo Thời Đại.

Cây đinh dài 3cm được phẫu thuật lấy ra thành công. (Ảnh: Thời Đại)

Người nhà cho biết, khi bé trai đang chơi đồ thì bỗng khó chịu, có biểu hiện đau bụng, ba mẹ bé phát hiện đồ vật bé đang chơi bị mất 1 cây đinh mà tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy. Nghi ngờ bé trai đã nuốt cây đinh, ba mẹ đã đem bé đến bệnh viện kiểm tra.

Tại bệnh viện, bé trai được khám lâm sàng và kiểm tra chụp X-quang. Kết quả chụp phim cho thấy 1 cây đinh nằm ở khung tá tràng. Sau khi hội chẩn nhanh giữa các chuyên khoa, bé trai được chuyển ngay đến phòng mổ.

Kết quả chụp phim cho thấy 1 cây đinh nằm ở khung tá tràng của bé trai. (Ảnh: Thời Đại)

Các bác sỹ tiến hành gây mê nội khí quản và làm thủ thuật nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng để lấy dị vật. Sau khi nội soi, cây đinh dài 3cm được lấy an toàn ra ngoài. Hiện tại, bé trai đã khỏe mạnh, chơi đùa bình thường và được theo dõi tại nhà.

Cây đinh dài 3cm mắc kẹt trong khung tá tràng của cháu bé. (Ảnh: Thời Đại)

Các bác sỹ của bệnh viện khuyến cáo, phụ huynh hãy cẩn thận với các món đồ chơi của bé. Đặc biệt là các món đồ chơi nhỏ, sắc nhọn mà bé có thể đưa vào miệng và nuốt như cây đinh, đồng xu, kim băng… hoặc đồ ăn có hạt như nhãn, sa – bô – chê, mãng cầu…

Trẻ không ý thức được tính nguy hiểm của vệc nuốt phải dị vật. Các dị vật này sẽ gây ra nguy cơ tắc nghẽn đường tiêu hóa, xuất huyết hoặc nặng hơn có thể gây thủng, phải phẫu thuật cấp cứu. Rủi ro hơn, các dị vật ấy có thể bị sặc vào đường thở gây suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng.

Người Xê Đăng đào được củ sâm Ngọc Linh gần một kg, giá 400-500 triệu đồng.

Ngày 12/2, anh Hồ Văn Giới cùng hai người trong xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) đi bộ vào rừng đặt bẫy thú. Đi qua cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh núi Ngọc Linh, các anh phát hiện cây sâm. Phần củ sâm dài hơn chiếc đũa, thân cây có sáu nhánh, cao hơn 50cm, giá bán dao động 400-500 triệu đồng, theo VnExpress.

“Nó mọc trên gốc cây dương xỉ, rễ đeo bám khắp củ sâm nên mất hơn ba giờ mới đào xong”, anh Giới cho biết. Rửa sạch đất đưa lên cân, cả củ và thân cây nặng 8 lạng. Nhóm anh Giới mang sâm về bán lại cho một thương lái.

Thân và củ nặng tám lạng. (Ảnh: H.T)

Ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My đánh giá, đây là củ sâm quý hiếm, tuổi đời lâu. Hiện trong tự nhiên, sâm như loại này rất hiếm.

“Củ sâm này giá bán từ 400 đến 500 triệu đồng”, ông Quý nói và thông tin thêm, cách đây gần hai năm, một người dân xã Trà Linh cũng đào được một củ sâm gần một kg, tuổi đời trên 100 năm.

Anh Giới cùng hai người bạn đào được củ sâm Ngọc Linh tự nhiên. (Ảnh: H.T)

Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 6/2017, Thủ tướng phê duyệt sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là sản phẩm quốc gia.

Kết thúc chuyên mục, Đại Kỷ Nguyên kính chúc quý độc giả một năm mới an khang thịnh vượng!


Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Khôi Minh