Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt các thách thức, khu vực châu Á vẫn nổi lên là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu trong những năm tới khi tiếp tục đà tăng trưởng mạnh.

Năm 2017, IMF dự báo nền kinh tế khu vực châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 5,9%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó. Cho dù tốc độ tăng sẽ hạ xuống mức 5,8% vào năm 2018, nhưng châu Á sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế thế giới khi xét đến mức tăng bình quân của các nước đang phát triển ở những khu vực khác là 3% và các nước công nghiệp phát triển là 2%.

Một trong những yếu tố góp phần vào tín hiệu tích cực này là môi trường kinh tế thế giới thuận lợi, khi các nền kinh tế lớn và mới nổi đang bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế và tăng trưởng, trong đó phải kể đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Khu vực các nền kinh tế mới nổi châu Á có tốc độ tăng tài sản nhanh nhất toàn cầu. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế – chính trị thế giới còn nhiều bất ổn và biến động, triển vọng phát triển của khu vực châu Á được cho đang phải đối mặt với tương lai bất định. Về khía cạnh tích cực, việc Mỹ áp dụng chính sách kích cầu nền kinh tế với quy mô lớn hơn dự kiến, cũng như sự cải thiện của các chỉ số niềm tin người tiêu dùng và DN tại các quốc gia phát triển có thể thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu của châu Á.

Bên cạnh đó, những cải cách nhằm thúc đẩy tính hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư công đối với hệ thống cơ sở hạ tầng ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á có thể góp phần duy trì đà tăng trưởng tích cực của cả khu vực.

Trong chiều ngược lại, việc thị trường tài chính thế giới có xu hướng thắt chặt các quy định về tài chính có thể tác động tiêu cực tới những nền kinh tế châu Á có nhu cầu cao về nguồn vốn và khu vực kinh tế tư nhân kém phát triển.

Ngoài ra, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới các nền kinh tế khu vực châu Á, khi xét tới độ “mở” cao về các chính sách thương mại và sự hội nhập sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, khả năng xảy ra một sự dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa bảo hộ ở các nước đối tác thương mại lớn với châu Á có thể gây sức ép lên xuất khẩu và giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này, những yếu tố giữ vai trò trọng yếu trong việc chuyển đổi công nghệ và tăng sức cạnh tranh nội địa.

Một số rủi ro khác như quá trình Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm nợ công nhằm hạn chế tình trạng phát triển nóng, cũng như tình hình căng thẳng địa chính trị có thể tác động tới tốc độ tăng trưởng của khu vực trong ngắn hạn.

Trong tương lai, châu Á sẽ đối mặt với 2 thách thức: sự già hoá dân số và tốc độ tăng năng suất lao động giảm. Với việc tốc độ già hoá đang tăng nhanh so với châu Âu và Mỹ, bên cạnh việc phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, các nước châu Á sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ y tế và an sinh xã hội. Đây là những yếu tố sẽ tạo áp lực lớn tới ngân sách và giảm tốc độ tăng trưởng.

Dự báo trong vòng 3 thập kỷ tới, xu hướng này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản giảm từ 0,5–1%.

Một mối lo khác là tình trạng giảm tốc độ tăng năng suất lao động. IMF nhận định khu vực châu Á đang dần không bắt kịp với năng suất lao động cao của các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, dẫn tới nguy cơ thụt lùi về tăng trưởng kinh tế.

Về lâu dài, cho dù được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng châu Á cần có những đối sách phù hợp để giải quyết các thách thức nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, qua đó giữ vị thế là đầu tàu kinh tế thế giới.

Quang Minh