Sau hơn 5 tháng hoạt động, tuyến buýt đường sông số 1 lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) đếnThủ Đức và ngược lại có rất ít người đi làm qua lại. Gần đây, tuyến buýt này phải chuyển hướng phục vụ khách du lịch.

Cuối tháng 11/2017, Tp.HCM đưa vào hoạt động phương tiện buýt đường sông tuyến số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông), thu hút khá đông hành khách nhưng phần lớn là du khách hiếu kỳ tìm đến trải nghiệm, tham quan trên sông, còn đối tượng phục vụ chính như người đi học, đi làm việc… rất hiếm.

Giá vé chưa vừa túi tiền công nhân viên chức

Theo khảo sát của Báo Giao Thông, dù là ngày đầu tuần nhưng chỉ có hơn 30 khách trên tàu, hầu như không có người nào đi làm mà chủ yếu đi thưởng ngoạn cho biết buýt sông thế nào.

Ông Trần Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án buýt đường sông cho biết, lượng khách chủ yếu đông vào những ngày cuối tuần, công suất chở đạt 100%, nhưng ngày thường lượng khách chỉ khoảng 50%. Ông Toản cũng thừa nhận, lượng khách đi buýt đường sông chủ yếu là khách đi thưởng ngoạn, khách nước ngoài đi tham quan cảnh sông nước, còn người đi làm chưa nhiều.

Buýt đường sông Tp.HCM chưa lấy lòng được khách đi làm
Nhiều hành khách đi tuyến buýt sông số 1 chủ yếu để thưởng ngoạn chứ không phải để đi làm. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Thường trực Hội Cầu đường cảng Tp.HCM, cho rằng nếu tập trung vào khai thác lượng khách đi làm thì tuyến buýt này còn một số bất cập.

Theo ông Trường, quy hoạch có 11 trạm dừng đón trả khách nhưng hiện nay mới chỉ đưa vào khai thác được 5 trạm nên chưa thuận lợi cho khách. Hơn nữa, giá vé 15.000 đồng/ lượt là tương đối cao.

“Một hành khách đi làm mỗi ngày phải tốn ít nhất 30.000 đồng/2 lượt. Tiền đi xe buýt đến các bến, rồi từ bến đến cơ quan, từ bến về nhà… tổng số khoảng 40.000 đồng/ngày. So với giá thành mua xăng để chạy xe máy, hoặc đi buýt đường bộ là cao, vì vậy khách đi làm chưa nhiều”, ông Trường nói.

Những yếu tố khác cũng cần cải thiện như phải bổ sung thêm các bảng thông tin điện tử ghi chú các điểm đến để hành khách nước ngoài biết, thuận tiện trong việc lên xuống dọc tuyến.

Tại các bến tàu lượng lục bình, rác tập trung nhiều, cần vệ sinh sạch sẽ để không gây phản cảm với hành khách khi lên bến.

Chuyển hướng phục vụ du khách

Tuyến buýt đường sông số 1 mới đây đã kết hợp giữa vận tải công cộng với du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch Kim Hoa cho biết trên Sài Gòn Giải Phóng, buýt sông ra đời giúp các công ty lữ hành có thêm địa điểm đưa du khách tham quan. Tàu vừa sạch vừa đẹp, có quầy nước, hưởng không khí trong lành … mà giá cả rất rẻ với du khách.

Nếu như năm ngoái, thuê một tàu chở khoảng 15 khách phải trả hơn 3 triệu đồng, thì nay chỉ tốn 15.000 đồng/vé. Tàu có thể chở gần 60 khách nên tính ra giá thành khá dễ chịu.

Buýt đường sông Tp.HCM chưa lấy lòng được khách đi làm
Buýt đường sông thu hút chủ yếu là du khách (Ảnh: SGGP).

Theo quan điểm của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cách thiết kế buýt đường sông hiện nay như tàu du lịch là rất hay, giúp thu hút nhiều đối tượng sử dụng. Để thu hút thêm hành khách, thành phố cần bố trí bến bãi phù hợp hoặc có đường kết nối đến tận nơi có nhu cầu đi lại lớn như khu dân cư, chung cư, trung tâm thương mại, khu làm việc cao tầng.

Quan trọng nhất là đối tượng sử dụng đi làm, đi học thường xuyên phải có hình thức bán vé tháng, vé năm như buýt đường bộ và tổ chức chạy liên tục giờ cao điểm…

Thanh Thanh