Trong khi mọi người đang ngồi trên xe đều không thể di chuyển ra ngoài, khuôn mặt ai cũng lo lắng, thi thoảng xuất hiện những nếp nhăn trên trán vì bụng đói thì bỗng nhiên tiếng gõ cửa xe vang lên “thật ấm lòng!”.
Mấy ngày vừa qua, 4 vụ tai nạn liên tiếp trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ xảy ra khiến tuyến đường này tắc suốt nhiều giờ đồng hồ. Mọi người ngồi trên xe đều không thể di chuyển ra ngoài, khuôn mặt ai cũng lo lắng, bụng đói nhưng vẫn cố chịu đựng.
Vào chiều 18/3, chứng kiến sự việc bị kẹt xe, anh Hoàng Khánh Điệp (45 tuổi) ở Hà Nội đã viết trên diễn đàn Otofun.net với nội dung: “Tình hình cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ còn tắc rất dài, dự sẽ kéo tới sáng mất. Em đang tính chạy đi mua ít bánh mì, nước lọc, sữa, xúc xích rồi chạy xuống hỗ trợ cho những người đã kẹt ở đó mấy tiếng. Trẻ em, người già chắc đói lắm rồi. Em ở Linh Đàm, các cụ đi được hú em, trên 3 xe hoặc 3 người là lên đường”.
Sau khi bài viết được đăng tải, mặc dù đã gần 23h và trời mưa to, song ngay sau khi chia sẻ, anh đã nhận được sự giúp đỡ của 4 người không quen biết, trong đó có cả một người ở tận Thái Bình. Mọi người cùng thống nhất sẽ tự mua đồ ăn, thức uống rồi hẹn gặp nhau tại Pháp Vân để cùng đến khu vực tắc đường.
Chia sẻ với PV báo Giao Thông, anh Điệp kể lại: “Chúng tôi chỉ kịp kêu chủ cửa hàng chất đầy cốp xe nào lương khô, bánh mỳ, xúc xích, nước, sữa… rồi đi luôn, còn chưa kịp thanh toán”.
Sau khi có đồ ăn thì đã 24h đêm, nhưng anh Điệp cùng vợ và 4 người không quen biết trước đó gặp nhau tại đầu Cầu Giẽ, lập tức đội mưa chia nhau đi bộ tới từng xe gõ cửa hỏi thăm, chuyển nước, sữa, đồ ăn. Anh Trình Tống, một thành viên tham gia cứu trợ cho biết, không ít người ngạc nhiên, bất ngờ, thậm chí ban đầu ngần ngại không đón nhận.
Do đường đã thông nên đồ ăn thức uống mọi người chuẩn bị chưa kịp phân phát hết. Anh Điệp đã bàn bạc với mọi người mang tới Bệnh viện K Tân Triều tặng cho bệnh nhân và người nhà. Mãi tới 3h sáng 19/3, cả nhóm mới kết thúc công việc. Anh Điệp nói: “Tôi vẫn áy náy vì lẽ ra có thể giúp được nhiều người hơn nếu tới đó sớm hơn. Nhưng dẫu sao, nếu không lên đường, tôi sẽ còn áy náy nữa. Chỉ hy vọng, một số bệnh nhân viện K và người nhà của họ sẽ có một bữa sáng ấm lòng”.
Cũng ở Cầu Pháp vân vào ngày 18/3, một xe cấp cứu chuyển bệnh nhân nặng từ Ninh Bình ra BV Bạch Mai (Hà Nội). Dù liên tục bật còi hụ nhưng xe không thể di chuyển, trong khi bệnh nhân sắp hết oxy nên người nhà bệnh nhân đã phải xuống đập cửa từng xe, xin nhường lối đi.
Anh Giáp Hoàng (Bắc Giang) là người chứng kiến toàn bộ sự việc kể lại, khoảng 21h15 ngày 18/3, khi mọi người trên xe của anh đang gật gù mệt mỏi sau 1 ngày ròng rã đi bộ, hành hương, bất chợt có 1 thanh niên ăn mặc lịch sự hớt hải đập cửa cầu khẩn: “Anh chị làm ơn giúp em 1 lối đi, giúp gia đình em với! Người nhà em cấp cứu trên xe hết oxy đến nơi rồi”.
Rồi cậu thanh niên ấy tiếp tục lao đi, len lỏi giữa dòng phương tiện, đập cửa các xe khác với đôi mắt ầng ậc nước. Tiếng còi vẫn gào thét trong vô vọng.
Nhiều người trên xe cùng xuống hỏi han, cô y tá trên xe cho biết, bệnh nhân đang rất nguy kịch thì gặp đường tắc cứng, trong khi còn cách BV Bạch Mai 22km.
Theo anh Hoàng, thời điểm đó nếu có 100 CGST dẹp đường cũng phải mất vài giờ mới tới được BV. Sau khi trao đổi qua lại với người nhà và bác tài, nhiều người đặt vấn đề gọi 1 xe cấp cứu khác theo chiều ngược lại rồi chuyển bệnh nhân qua.
Hơn 10 phút sau, xe cấp cứu đến nơi. Việc chuyển bệnh nhân chỉ diễn ra vỏn vẹn 2 phút, người lo lấy cáng, vài ba thanh niên nhanh nhẹn chạy ra lấy áo chặn xe cùng chiều… Chỉ 5 phút sau, chiếc xe cứu thương vút đi theo làn ngược chiều.
Anh Vũ Đức Hải, lái xe Trung tâm Cấp cứu 115 Ninh Bình cho biết: “Khi xe từ Việt Đức đến nơi, tôi thật sự xúc động khi thấy nhiều người dân cùng xuống hỗ trợ khênh cáng, người ra hiệu cho các xe khác đi chậm lại rồi cùng khiêng bệnh nhân qua dải phân cách cao hơn 1m sang làn đường đối diện”.
Cuối cùng, xe cấp cứu đến Bạch Mai kịp thời. BS Thu Nhường cho biết, khi đến viện, bệnh nhân tỉnh hơn, huyết áp ổn định.
“Qua đây mới biết tình người trong con người Việt ta rất lớn, vẫn còn nhiều người sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ khi cần thiết”, anh Hoàng chia sẻ.
Hai câu chuyện như một minh chứng cho sức mạnh của lòng tốt đẹp và thiện lương giữa những con người dù không quen biết.
Hà Châu (TH)