Hiện nay, rất nhiều gameshow mới ra đời, hấp dẫn và đa dạng thể loại. Tuy nhiên, đối với thế hệ 9x đời đầu, các chương trình như “Vườn cổ tích”, “Hành khách cuối cùng”, “Trò chuyện với chú chó trắng”… đã gắn bó với cả tuổi thơ.
Trò chuyện với chú chó trắng
Trò chuyện với chú chó trắng (tên gốc Inai Inai Baa!) là chương trình thiếu nhi của Nhật Bản được Đài truyền hình Việt Nam mua lại và phát sóng tập đầu tiên ngày 30/12/2004 trên kênh VTV3.
Với thời lượng cho mỗi tập phim là 15 phút, chương trình là những câu chuyện giáo dục giản dị mà sinh động và sâu sắc.
Đó đơn giản là chuyện đánh răng, rửa mặt sao cho đúng, sắp xếp đồ chơi sao cho gọn, hướng dẫn các em món cơm nắm để đi dã ngoại, thỏa sức sáng tạo khi vẽ một bức tranh hay là cách hành xử lễ phép, dũng cảm nhận lỗi, biết nói lời cảm ơn, giúp đỡ người khác.
Bài hát chính của show mà các bạn nhỏ vẫn hay gọi là “Xoay vòng tay” có tên gốc tiếng Nhật là “Guru Guru Dokkan!”.
Sau một thời gian dài vắng bóng, cuối cùng chú chó trắng Wan Wan đã trở lại với các bạn nhỏ Việt trên kênh VTV7 bằng tên gọi “Ú Òa”. Chương trình bắt đầu phát sóng ngày 2/1/2017.
Bằng những bài hát và câu chuyện đáng yêu mà chú chó trắng Wan Wan, Utan, và Yuna mang đến, chương trình hứa hẹn mang đến một sân chơi bổ ích và kích thích khả năng sáng tạo ở các bé từ 0-2 tuổi.
Vui cùng Hugo
Vui cùng Hugo đã tạo nên “cơn sốt” trò chơi truyền hình trực tuyến thời điểm hơn 10 năm về trước. Hình ảnh chú lùn Hugo đang trên đường giải cứu vợ và ba cô con gái nhỏ thông qua các trò chơi như: Hugo leo dây, Hugo Cưỡi đà điểu, Lái trực thăng, Cầu vồng, Cơn sốt kim cương, Hugo trong đường hầm… đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các bạn nhỏ mỗi dịp cuối tuần.
Chương trình được HTV mua bản quyền từ năm 2004 và phát sóng trực tiếp bằng việc sử dụng hệ thống AMS (Animation Mask System – hệ thống thể hiện nhân vật hoạt hình qua mặt nạ điều khiển) – cho phép người chơi được kết nối trực tiếp qua máy điện thoại bàn, để tham gia các thử thách.
Vườn cổ tích
Vườn cổ tích ra đời vào cuối năm 1997. Cứ đều đặn mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, khán giả nhí lại mong ngóng ngồi trước màn hình vô tuyến để thưởng thức các trò chơi do những bạn nhỏ 8, 9 tuổi tham gia.
Những câu nói quen thuộc trong chương trình của BTV Bảo Vân:”Có đúng không các em?”, “Có hay không các em?”, sau đó các bạn nhỏ nhất loạt trả lời “Vâng ạ”, đã trở thành ký ức khó phai mờ.
Chiếc nón kỳ diệu
Chiếc nón kỳ diệu là chương trình lâu đời bậc nhất của VTV3 với chặng đường phát sóng 16 năm. Đây là món ăn quen thuộc của khán giả truyền hình vào mỗi trưa thứ bảy. Chương trình lên sóng kể từ năm 2001 và khép lại số cuối cùng đúng vào dịp Noel năm 2016, trải qua 811 số.
Gameshow được mua bản quyền và dựa trên trò chơi Wheel of Fortune – Vòng quay may mắn của Mỹ phát sóng từ năm 1975. Những gương mặt MC thân thuộc của chương trình như Lại Văn Sâm, Long Vũ, Tuấn Tú, Danh Tùng, Lưu Minh Vũ.
Hành khách cuối cùng
“Nào mình cùng lên xe buýt, nào mình cùng đi chơi nhé” – câu khẩu hiệu trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả xem truyền hình vào 19h50′ mỗi tối thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV3. Hành khách cuối cùng dựa theo format của chương trình The Last Passenger của Argentina.
Bố cục chương trình là một chuỗi các trò chơi bao gồm cả trò chơi vận động và trò chơi kiến thức. Sẽ có 3 đội chơi (mỗi đội có 15 hành khách và 1 đội trưởng) tham gia. Đúng với cái tên chương trình, mỗi đội sẽ có mục tiêu duy nhất là đưa tất cả các hành khách lên xe buýt.
H.H